pho-thong-doc-thuong-truc-nhnn-dao-minh-tu-1674610664.jpg
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP/HT

Ngân thương mại tích cực đồng hành

Tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất các giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.

Cụ thể, BIDV giảm lãi suất 0,5-2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng DN nước ngoài, khách hàng cá nhân.

Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1-31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. 

Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng DN và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ ngày 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu...

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Thanh Tùng – Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đơn vị luôn tiên phong, chủ động và tích cực thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Liên quan tới chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số nhóm ngành lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 phục hồi và tăng trưởng, VietinBank đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. 

Thời gian qua, tốc độ tăng dư nợ hỗ trợ lãi suất hàng tháng của VietinBank đạt 70% - 80%; dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất tới nay đạt gần 9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp 4 lần so với thời điểm mới ban hành văn bản triển khai; nằm trong top 4 ngân hàng thương mại (NHTM) cao nhất trong toàn hệ thống.

VietinBank cũng triển khai một số chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của các khách hàng DN như: Chương trình đồng hành cùng khách hàng DN, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các khách hàng thuộc đa dạng lĩnh vực ngành nghề, quy mô, phân khúc. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường; gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng trọng tâm thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2% so với lãi suất cho vay thông thường; chương trình ưu đãi dành cho khách hàng DN vừa và nhỏ ngành thương mại phân phối với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường…

ong-le-thanh-tung-thanh-vien-hdqt-ngan-hang-tmcp-cong-thuong-viet-nam-1674610718.jpg
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)

Ông Lê Thanh Tùng cho hay, VietinBank duy trì định hướng tập trung tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế như khách hàng DN vừa và nhỏ; hoạt động kinh doanh xuất khẩu; sản xuất các mặt hàng thiết yếu; cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên (công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao...)...; ưu tiên giải ngân trung dài hạn đối với các dự án đầu tư bất động sản khu công nghiệp khả thi, hiệu quả của chủ đầu tư uy tín, có tình hình tài chính tốt.

Ông Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, tất cả các điểm giao dịch của đơn vị phải triển khai quyết liệt các cơ chế ưu đãi dành cho khách hàng, ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng dành cho các DN thuộc nhóm ngành ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

"Quá trình triển khai giảm lãi suất cho vay càng mạnh mẽ hơn sau khi Công điện 1156/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2022, chúng tôi đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 2%/năm so với thời điểm trước đó. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai và chỉ đạo sát sao tình hình triển khai gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ đến từng điểm giao dịch, đề nghị tất cả điểm giao dịch phải tiếp cận nhanh DN để tư vấn và triển khai gói giải pháp của chính phủ một cách khoa học, chuẩn xác, phù hợp đối tượng và mục đích vay; triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng DN tổng giá trị ưu đãi thực tế đến khách hàng đạt hàng trăm tỷ đồng như chương trình đồng hành cùng DN "gia tăng đặc quyền-đột phá toàn diện", đại diện Sacombank cho hay.

Cần nỗ lực từ các phía để tháo gỡ khó khăn

Theo các chuyên gia, năm 2022, trước những khó khăn khách quan, một số thị trường như thị trường vốn, thị trường bất động sản (BĐS)… bộc lộ những điểm yếu, ảnh hưởng đến kinh tế. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thận trọng, phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam bảo đảm cân đối vĩ mô. Ngành ngân hàng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng đồng hành với nền kinh tế, trong đó nhiều ngân hàng thương mại đã tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn, tuy nhiên vẫn phải "hài hòa" với nguồn lực và năng lực tài chính của ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống. Về tín dụng chính sách cho người nghèo, người thu nhập thấp, mua nhà ở xã hội có Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các quỹ tín dụng nhân dân cùng với ngân hàng thương mại đang được triển khai tích cực. 

Dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế đã đạt được các kết quả khả quan, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn những bài toán rất khó cho ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Để giải quyết các điểm nghẽn, lãnh đạo NHNN cho rằng, một trong những rào cản chung là sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay. Ngành ngân hàng tiếp tục coi đây là mục tiêu trong cải cách, trong đó có cải cách thủ tục hành chính.

"Về lĩnh vực BĐS, tôi và các đồng chí trong Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án BĐS nghiên cứu khảo sát tại các địa phương, tìm hiểu, khảo sát ở nhiều địa phương. Chúng tôi sẽ trao đổi và báo cáo Chính phủ cụ thể hơn về vấn đề này, trong đó quan điểm là để giải quyết điểm nghẽn, cần nỗ lực từ các phía bao gồm từ nhà nước và chính các DN BĐS", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói .

ong-pham-chi-quang-vu-truong-vu-chinh-sach-tien-te-1674610767.jpg
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - Ảnh:VGP/

Có cùng quan điểm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, tích cực hỗ trợ nền kinh tế nhưng NHNN vẫn cần kiểm soát room tín dụng. Ông Quang phân tích: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tương đương khoảng 190% GDP, áp lực nhập khẩu lạm phát và mặt bằng tỉ giá năm 2023 rất lớn. Các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam là một trong những nước cao nhất có trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. 

Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng xu hướng duy trì lãi suất cao, mặt bằng lãi suất cao của thế giới vẫn còn duy trì. Ở trong nước, lạm phát vẫn được kiểm soát đạt mục tiêu, tuy nhiên cần hết sức cẩn trọng với lạm phát cơ bản, vì lạm phát này có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng tới lạm phát vòng 2 trong năm 2023, dự kiến sức ép lạm phát trong năm 2023 là không nhỏ.

"Mục tiêu xuyên suốt quan trọng của chính sách tiền tệ là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống. Do đó, NHNN rất thận trọng điều chỉnh room tín dụng, chỉ nới room, khi mục tiêu chính có khả năng hoàn thành. NHNN luôn hỗ trợ vốn kịp thời cho nền kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát trong tương lai", ông Phạm Chí Quang khẳng định.

Bày tỏ quan điểm về tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: NHNN ban hành các quy định chỉ đạo điều hành hỗ trợ thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Thực hiện các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM kiểm soát chặt chẽ rủi ro đi đôi với tạo điều kiện phát triển thị trường BĐS. Theo đó, các NHTM cần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án BĐS bảo đảm tính pháp lý có thanh khoản tốt, có khả năng trả nợ tót, các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp (không phải phân khúc cao cấp)...

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank nêu một số quan điểm, giải pháp để tháo gỡ khó khăn từ đó đạt các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra trong năm 2023. Đối với ngành BĐS, Chính phủ cần sớm có chiến lược quy hoạch, phát triển lĩnh vực BĐS dài hạn và bền vững; phát triển BĐS phải trên cơ sở cân bằng cung – cầu cũng như tính kết nối giữa thị trường tài chính và BĐS một cách hợp lý.

"Cần kiểm soát giá bán BĐS phải phù hợp với thu nhập người dân, bảo đảm BĐS bán ra phải đến được tay người mua tiêu dùng cuối cùng, không để tình trạng đầu cơ/ trung gian làm tiềm ẩn bong bóng BĐS và rất rủi ro cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần có sự chọn lọc DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, có tiềm lực tài chính – kinh doanh, uy tín tốt, dòng tiền bảo đảm, sửa đổi thật cẩn trọng Nghị định 65 của Chính phủ về phát hành trái phiếu riêng lẻ để đưa kênh trái phiếu DN là kênh vốn chuyên nghiệp, chặt chẽ cho DN BĐS", ông Phan Đình Tuệ trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.

Lãnh đạo Sacombank đồng tình với việc NHNN sớm có định hướng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và xuyên suốt, bao gồm định hướng tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề phù hợp định hướng của Chính Phủ. Lãnh đạo Sacombank chia sẻ: Sacombank không cho vay chứng khoán và phát hành trái phiếu nên không ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này cho góp ý, cần có lộ trình và cơ chế để từng bước giải quyết những vấn đề tồn đọng nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng, người mua các dự án BĐS.

"Thị trường tiền tệ đang phải gánh vác một phần khá lớn cho thị trường vốn, cần một lộ trình để trả về trạng thái cân bằng, phát huy vai trò của từng cấu phần trong cấu trúc thị trường tài chính. Từ đó giúp lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", ông Phan Đình Tuệ nói.