Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến không ít công nhân, người lao động tại TP.HCM mất việc hoặc tạm nghỉ, rơi vào cảnh khó khăn. Dù TP.HCM đã cho phép một số ngành nghề hoạt động trở lại, nhưng để tìm kiếm được một việc làm ổn định vào thời điểm này, đối với nhiều lao động tự do vẫn là một bài toán nan giải.  

Lao động tự do mòn mỏi chờ việc

Khác với nhiều người trong khu trọ chọn cách rời TP.HCM về quê, chị Trần Huyền Thương (35 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là lễ tân khách sạn ở quận Gò Vấp vẫn chọn bám trụ thành phố để chờ ngày đi làm trở lại.

Lao động tự do vẫn khó kiếm việc làm ở TP.HCM sau bình thường mới - 1

Nhiều người phải tập buôn bán online, mở quầy bán cà phê mang đi để xoay xở, bám trụ lại thành phố.

Chị Thương chia sẻ, bản thân đã gắn bó với TP.HCM gần 15 năm nay, chưa bao giờ cuộc sống gia đình chị chật vật như lúc này. Giãn cách triền miên, không đi làm được, thiếu trước hụt sau khiến chị bị stress nặng. Để cầm cự, chờ tới ngày được đi làm như trước đây, gia đình chị phải “thắt lưng buộc bụng”, sử dụng rất tiết kiệm những khoản tiền hỗ trợ của thành phố.

“Tôi làm nghề tự do nên 4 tháng nay chỉ ở nhà, cũng không được nơi làm việc trợ cấp gì, thấy người ta về quê từng đoàn mình cũng muốn lắm, nhưng về cũng không giải quyết được gì, cứ trụ ở đây, đến khi nào thực sự không làm ăn được thì mới tính tiếp”, chị Thương nói. 

Theo chị Thương, từ ngày TP.HCM cho một số ngành nghề hoạt động trở lại, chị đã liên hệ một số đơn vị để xin việc nhưng không được nhận.

"Họ hoạt động chỉ cầm chừng thôi nên chưa nhận tôi vào làm, họ dặn lúc nào hoạt động như bình thường thì sẽ liên hệ lại sau", chị Thương chia sẻ. 

Tương tự, chị Thiên Tuyến (32 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, chị vừa quay trở lại TP.HCM để tìm việc sau bao ngày về quê tránh dịch. Công việc trước kia của chị là làm phục vụ ở phòng trà ca nhạc, quán nghỉ vì dịch, nên chị đã mất việc làm 5 tháng. Hiện quán cũng chưa biết khi nào được hoạt động lại, nên chị cũng chưa có công việc.

Lao động tự do vẫn khó kiếm việc làm ở TP.HCM sau bình thường mới - 2

Nhiều lao động tự do ở TP.HCM vẫn chưa tìm được công việc phù hợp sau giãn cách xã hội.

"Bây giờ tôi bán hàng online để kiếm sống, tôi cũng cố gắng cầm cự để mong kiếm được việc làm. Tuy nhiên đã hết giãn cách, nhưng vẫn rất khó tìm được công việc như trước. Hiện tôi vẫn chưa có việc làm“, chị Tuyến buồn bã nói. 

Hơn 1 tháng TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, bên cạnh nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được hoạt động trở lại thì nhiều ngành nghề như xe ôm truyền thống, karaoke, massage... vẫn chưa được phép hoạt động.

Ông Trần Văn Kháng, 54 tuổi - chạy xe ôm truyền thống ở TP Thủ Đức cho biết, bản thân đã được tiêm 2 mũi vaccine nên ông trông chờ từng ngày thành phố cho hành nghề trở lại.

“Chúng tôi là những lao động tự do chạy xe ôm truyền thống cũng mong muốn thành phố sớm diệt được hết dịch, để anh em chúng tôi được chạy lại, kiếm sống lo cho gia đình. Nhiều khi được chạy lại tôi cũng sợ nhưng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi. Đương nhiên là vẫn phải đề phòng, mình đi thì cũng phải cẩn thận, lúc nào cũng 5K”, ông Kháng nói. 

Hoạt động cầm chừng nên không tuyển nhiều nhân viên

Thực tế có bức tranh tương phản trên bởi phần lớn các hoạt động dịch vụ cần lao động tự do ở TP.HCM vẫn chưa hoạt động lại, hoặc hoạt động hạn chế, cầm chừng, nên nhiều công ty, hộ kinh doanh vẫn chưa có nhu cầu tuyển dụng, hoặc chưa gọi nhân viên đi làm lại.

Lao động tự do vẫn khó kiếm việc làm ở TP.HCM sau bình thường mới - 3

Quán nhậu hoạt động không hết công suất nên chủ quán vẫn chưa tuyển nhân viên nhiều.

Điển hình như các nhà hàng, quán ăn được hoạt động nhưng không hết công suất nên nhu cầu thuê, mướn lao động không cao. Lĩnh vực xây dựng, các lĩnh vực cần lao động phổ thông, vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường như trước. Bán vé số cũng mới được hoạt động trở lại, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện kinh tế, cùng tâm lý e ngại tiếp xúc của người mua.

Chị Minh - chủ 1 nhà hàng hải sản ở quận 10 cho biết, quán của chị ngày trước có không dưới 20 nhân viên, lao động tự do phục vụ trong 1 ca. Nhưng bây giờ chị chỉ giữ lại bếp và 8 phục vụ mỗi ca. Dù được bán tại chỗ nhưng chị vẫn chưa có nhu cầu thuê nhân viên nhiều, vì thời gian hoạt động bị giới hạn, đến 21h là phải ngừng đón khách.

"Thời gian qua nhiều người làm cũ cũng liên hệ với tôi để xin làm việc lại, nhưng tôi nói với họ bây giờ quán chưa hoạt động 100% công suất nên dặn mọi người chờ thời gian tới xem chỉ đạo của thành phố như thế nào rồi tính tiếp", chị Minh nói. 

Theo các chuyên gia kinh tế, bài toán mưu sinh cho các lao động tự do tại TP.HCM hiện nay không phải quá khó giải, nhưng cần có lộ trình ít nhất đến cuối năm hoặc sang quý I/2022. Bởi các kịch bản phục hồi của thị trường lao động, phải dựa vào đà phục hồi của nền kinh tế nói chung, tình hình kiểm soát dịch bệnh và chính sách nới lỏng của các địa phương.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chuyển đổi công việc, chấp nhận làm việc khác với chuyên môn, hoặc khác với yêu cầu đặt ra, để dễ tìm kiếm việc làm trong bối cảnh hiện nay.

 
HOÀNG THỌ