Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam.

Vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) quận 1, TP HCM đã có Thông báo thụ lý vụ án về việc “tranh chấp đơn phương hợp đồng lao động” giữa ông Nguyễn Hữu Lợi (ngụ quận 4, TP HCM) và Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bia Heineken Việt Nam).

Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Hữu Lợi cùng 6 người lao động khác đã khởi kiện và cho rằng Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái qui định pháp luật.

Theo đó, từ năm 2005 ông Nguyễn Hữu Lợi được Công ty Bia Heineken Việt Nam ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và làm việc tại Tổ xe nâng thuộc kho vận tại quận 12, Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc cho đến nay, ông Lợi luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không vi phạm kỷ luật lao động, không gây ra bất cứ thiệt hại vật chất cũng như ảnh hưởng nào đến hình ảnh của Nhà máy bia Heineken.

 
Thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND quận 1, TP HCM. (Ảnh:MP) 

Đến ngày 4/5/2020, ông Lợi và những công nhân khác bất ngờ nhận được thông báo đến nhà máy họp với nội dung sẽ chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 22/6/2020 đối với 40 nhân viên lái xe nâng, với lý do thay đổi cơ cấu. Số lượng công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động được Công ty Bia Heineken Việt Nam chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp thứ 3 là Công ty Cung ứng Dịch vụ Lao động Le &Associate.

Sau đó, ông Lợi và nhiều công nhân gửi đơn thư cho lãnh đạo công ty, các cơ quan quản lý, hỗ trợ người lao động... nhưng đều không thay đổi được kết quả. Tiếp đó, ông Lợi cùng 6 công nhân đã nộp đơn khởi kiện Công ty Bia Heniken Việt Nam đến TAND quận 1 TP HCM.

Trong quá trình theo đuổi vụ kiện, ông Lợi đã gửi thêm đơn yêu cầu “xem xét thẩm định tại chỗ”, đơn đề nghị “giải quyết yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ” nhưng vẫn không được xem xét, thẩm định.

Nói về việc bị mất việc đột ngột, ông Nguyễn Hữu Lợi chua xót cho biết: “Giữa tình tình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp kéo dài như hiện nay cùng với việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng của Nhà máy Bia Heineken Việt Nam khiến gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn, bi đát. Suốt nhiều tháng qua, tôi phải vay tiền người thân, bạn bè để nuôi sống gia đình. Chúng tôi thật sự rơi vào đường cùng, khốn khổ”.

 
 Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Bia Heineken Việt Nam. (Ảnh:MP)

Việc Công ty Bia Heineken chấm dứt hợp đồng lao động của những công nhân lao động vào thời điểm dịch COVID-19 đã khiến nhiều người bức xúc, dư luận đặt nhiều câu hỏi:  Ngoài việc cơ cấu thì có hay không Công ty Bia Heineken Việt Nam vì một lý do nào đó mà “ép” người lao động phải nghỉ việc giữa mùa dịch?

Trả lời về việc chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên, đại diện Công ty Bia Heineken Việt Nam cho biết: Mọi quyết định của Công ty đều tuân thủ đúng theo qui định của pháp luật về Luật lao động. Phía Công ty Bia Heineken Việt Nam cũng đã nhiều lần thực hiện các cuộc hòa giải nhưng không thành. Hiện, vụ việc vẫn đang chờ cấp Tòa án giải quyết.

Riêng một số nội dung mà báo Bảo vệ Pháp luật đề nghị cung cấp, trả lời thông tin về tính pháp lý của vụ việc, đại diện Công ty Bia Heineken Việt Nam cho biết sẽ sắp xếp một buổi làm việc trực tiếp để trao đổi cụ thể hơn.

Báo Bảo vệ Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

 Cần xem xét thẩm định tại chỗ

Luật sư Võ Tấn Lộc (Công ty Luật Long Phan PMT -  Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Việc thay đổi cơ cấu theo Bộ luật Lao động 2012, nay là Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Vì vậy, trong trường hợp trên Công ty Bia Heineken Việt Nam phải xem xét phương án sử dụng lao động lại đã cân nhắc các vị trí nhân sự hay chưa? Cơ cấu thay đổi cụ thể là gì? Có đúng theo quy định pháp luật hay không?... Tất cả những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi tòa án tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ là xem xét thẩm định tại chỗ được quy định tại Điều 101 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, do tranh chấp xảy ra trước thời điểm Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực nên luật áp dụng giải quyết tranh chấp là Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, căn cứ  Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012; Khoản 2 Điều 4 Nghị định 149/2018/NĐ-CP thì trong Trường hợp thay đổi cơ cấu mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động. Heineken có nghĩa vụ Công khai văn bản trên. Nhưng đến nay, qua tài liệu hồ sơ vụ án mà các bên cung cấp cho tòa án không có tài liệu này. Tập thể người lao động cũng thông tin cho Luật sư là trong suốt quá trình giải quyết việc chấm dứt Hợp đồng lao động, Heineken Việt Nam không hề cung cấp, công khai phương án sử dụng lao động. Xét thấy, ý kiến của đại diện công đoàn trong vụ án này là một chứng cứ quan trọng. Do đó, Tòa án cần xem xét triệu tập đại diện công đoàn tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.