Giai đoạn vừa qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giảm mặt bằng lãi suất, đưa ra các gói, các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Việc giảm nhanh và giảm ngay lãi suất cho vay của các TCTD là cần thiết để giảm bớt khó khăn về chi phí tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Thấu hiểu điều đó nên từ giữa tháng 7, 16 ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã thực hiện giảm mạnh lãi suất theo lời hiệu triệu của NHNN để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Thống kê của SSI cho thấy, chỉ trong 2 tuần từ sau cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng với 16 TCTD về vấn đề giảm lãi suất, hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi vay áp dụng 15/7 - 31/12. Theo đó, trong đợt giảm lãi suất lần này, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%; có nhà băng giảm tới 3% so với lãi suất cho vay hiện hữu. NHNN cũng cho biết, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ của các NHTM phổ biến từ 8 -10%/năm.

lai-suat-1627989452.jpg

Lãi suất được dự báo sẽ đi ngang ở mức thấp.

Song một diễn biến rất đáng chú ý là huy động vốn của các ngân hàng không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6, huy động vốn của các TCTD tăng 3,13% so với cuối năm trước, thấp hơn khá nhiều mức tăng 4,35% của cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh trong mấy năm gần đây và hiện đang đứng ở mức rất thấp đã làm giảm sức hút tiền gửi của dân cư vào ngân hàng trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác đang khởi sắc như bất động sản, chứng khoán… Thực tế cũng cho thấy dòng tiền đang có sự chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác năng động hơn.

Điều đó cũng có nghĩa, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm. Thậm chí từ giữa tháng 7, lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,1 - 0,4 điểm % ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, đúng là có một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhưng số này không nhiều, mức tăng cũng không lớn và cũng chỉ ở một số kỳ hạn, chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn. “Việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng, giảm ở một số ngân hàng là diễn biến bình thường khi nhu cầu huy động vốn của từng ngân hàng là khác nhau”, vị này cho biết.

Đặc biệt theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, giai đoạn này NHNN tiếp tục nhất quán trong việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, bất động sản. Định hướng chung của cơ quan quản lý là điều hành lãi suất theo hướng hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tăng trưởng huy động của toàn hệ thống thấp hơn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên thanh khoản hệ thống vẫn tương đối tốt, các tháng đầu năm hệ thống ngân hàng vẫn huy động được lượng vốn ổn định, đáp ứng đủ và kịp thời cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Thêm vào đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến tín dụng không tăng quá cao xuất phát từ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp yếu đi.

“Dịch vẫn đang rất phức tạp và trong bối cảnh không thuận lợi, nhiều NHTW trên thế giới cũng ở thế thận trọng và chưa xem xét thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Bởi vậy, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo tôi sẽ là xu hướng đi ngang thời gian tới, áp lực nếu có tăng cũng không đáng kể”, ông dự báo.

Chỉ ra việc lãi suất huy động trong nửa đầu năm 2021 đã giảm 30 điểm và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 10-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành xu hướng tăng mới. VCBS đưa ra dự báo lãi suất huy động sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức 0,1 - 0,2 điểm phần trăm. Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, lãi suất tiền gửi cũng sẽ chỉ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao...

Trên cơ sở, mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN nhấn mạnh sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN từ đầu năm, chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu bình quân khoảng 4%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Thời Báo Ngân Hàng