Theo thống kê của SSI, tuần qua, do yêu cầu giãn cách xã hội được áp dụng triệt để hơn khiến cho nhu cầu tiền mặt của người dân tăng lên. Điều này phần nào làm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng dần về cuối tuần, chốt tuần ở mức 1,0 %/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,2% với kỳ hạn 1 tuần.
Về lãi suất trên thị trường dân cư, thực hiện lời kêu gọi của NHNN, đã có hơn 10 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố gói cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm kể từ 15/7 đến cuối năm với các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Trong khi đó, lãi suất huy động lại tăng nhẹ từ 0,1 – 0,4 % ở một số ngân hàng với hầu hết các kỳ hạn, trong đó có NHTM không thay đổi biểu lãi suất niêm yết nhưng tăng mức lãi suất thỏa thuận tối đa với khách hàng.
SSI cho rằng, lãi suất huy động khó có thể giảm thêm mà ngược lại có thể tăng trung bình khoảng 0,5% vào nửa cuối 2021.
Việc "lãi suất huy động" khó có thể giảm thêm và có nguy cơ tăng về cuối năm cũng đã được nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo. Trong điều kiện hiện nay, khi lạm phát được duy trì quanh mốc 4% thì việc lãi suất huy động ngắn hạn duy trì quá thấp (dưới 4%) khiến kênh tiết kiệm không còn đủ hấp dẫn. Cùng với đó là thực tế tăng trưởng huy động của các NHTM trong 6 tháng đầu năm đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng dẫn tới rủi ro các NHTM buộc phải tăng huy động để có vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong 2 quý cuối năm. Để tăng huy động thì biện pháp đầu tiên được áp dụng là tăng lãi suất.
Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, việc "buộc" phải giảm lãi suất cho vay, trong khi lãi suất huy động tăng có thể làm lợi nhuận của nhóm ngân hàng giảm đáng kể trong năm 2021. Theo ước tính của 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank và Agriabank, số tiền hỗ trợ để giảm lãi suất trong năm 2021 rơi vào khoảng 17.700 tỷ đồng và con số này sẽ tính gần như trực tiếp vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm.
Về diễn biến tỷ giá cuối năm, SSI cho biết, tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi quyết định duy trì chính sách nới lỏng của các NHTW lớn (ECB, PBOC) tại các phiên họp mới đây, triển vọng nâng lãi suất điều hành của FED vào phiên họp tháng 12/2022 cũng đã giảm xuống. Các tài sản rủi ro có diễn biến tích cực hơn về cuối tuần nhưng vẫn đang khá dè chừng để chờ đợi những thông tin quan trọng trong tuần này, bao gồm kết quả cuộc họp FOMC tháng 7 và các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.
Tại Việt Nam, thông tin NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ đạt được tuyên bố chung nhằm giải quyết các lo ngại của Mỹ về chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam giúp tỷ giá USD/VND trên cả 2 thị trường giảm. USD/VND niêm yết của các NHTM giảm 30 đồng ở chiều mua vào, kết tuần ở mức 22.890/23.110 đồng/USD. Giá vàng trong nước giảm nhẹ, dao động quanh 56,85/57,50 triệu đồng/lượng.
Ngày 23/7, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã cho biết "sẽ không có hành động thương mại nào vào thời điểm này với Việt Nam". Đây là tín hiệu tích cực với công tác điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý thời gian tới, cùng với đó là cái thở phào nhẹ nhõm với các DN có quan hệ thương mại với thị trường Mỹ.