Mặc dù thị trường những phiên gần đây biến động lớn, nhưng nhiều ý kiến vẫn bày tỏ sự kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ tiếp tục ủng hộ cho đà tăng của VN-Index trong thời gian tới.

Dấu hiệu tích cực từ dòng vốn vào thị trường

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, bắt đầu từ cuối quý II/2023 đã xuất hiện các dấu hiệu tích cực từ dòng vốn vàothị trường chứng khoán. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý I/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý trước.

Cũng theo VNDIRECT, điểm đáng chú ý khác là sự đảo chiều trong tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới. Sau khi chạm đỉnh vào tháng 5/2022, số lượng tài khoản chứng khoản mở mới đã giảm đáng kể khi khách hàng chuyển sang kênh đầu tư tiền gửi kỳ hạn để hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất cao.

Lạc quan với thị trường chứng khoán những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Bắt đầu từ cuối quý II/2023 đã xuất hiện các dấu hiệu tích cực từ dòng vốn vào thị trường chứng khoán (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng lên xấp xỉ 105.000 tài khoản trong tháng 5/2023 (vẫn giảm -78% so với cùng kỳ, nhưng tăng +360% so với quý trước). Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 6 và tháng 7/2023 tiếp tục đà tăng trưởng lên 150.619 tài khoản.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng tăng lên kể từ tháng 4/2023. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên 3 sàn chính đạt khoảng 16.000 tỷ đồng trong quý II/2023, vẫn giảm 20,7% so với cùng kỳ, nhưng tăng 27,2% so với quý trước. Tính theo tháng, thanh khoản thị trường có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi tăng mạnh 5 tháng liên tiếp sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2023.

Sự gia tăng mạnh mẽ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước, khi giá trị giao dịch hàng ngày của họ chiếm 85% tổng giá trị trong quý II/2023, so với mức 80% trong quý I/2023. Ngược lại, các cá nhân và tổ chức nước ngoài đã quay trở lại trạng thái bán ròng sau khi mua ròng trong tháng 3/2023, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND sau khi Ngân hàng Nhà nước chuyển sang chính sách tiền tệ mở rộng.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh tài sản khác bao gồm thị trường chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất thấp, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán khi chi phi cơ hội giảm. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.

"Với kỳ vọng về lãi suất chính sách sẽ duy trì ở cùng mức với giai đoạn 6 tháng 2021 cho đến cuối năm 2023, chúng tôi kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân hàng ngày sẽ đạt 20.000 – 25.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023 cùng mức trong giai đoạn 6 tháng năm 2021", bà Thanh nhận định.

Thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định

Theo số liệu thống kê từ SSI Research, tính đến ngày 7/8, trên toàn thị trường, số lượng doanh nghiệp (DN) đã công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý II/2023 chiếm 98% vốn hóa thị trường. Trong đó, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết (DNNY) tiếp tục giảm -3,9% và -12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, mặc dù vẫn giảm, nhưng vậy tốc độ giảm của lợi nhuận sau thuế đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm ở quý đầu năm nay.

Ông Nguyễn Việt Minh Tú, Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, bức tranh KQKD của doanh nghiệp đã bớt ảm đạm hơn trong quý II vừa qua. Cũng theo ông Tú, biên lợi nhuận gộp toàn thị trường quý II/2023 (không bao gồm ngân hàng) tăng 1,1% điểm so với quý trước, thể hiện xu hướng hồi phục tích cực kể từ quý IV/2022. Các nhóm ngành cải thiện tốt nhất là bất động sản (+9,4 điểm %), dịch vụ hỗ trợ (+4,8 điểm %), thực phẩm (+1,9 điểm %) và kim loại (+1,8 điểm %).

Trong báo cáo mới phát hành gần đây, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho biết, việc cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần giúp VN-Index tăng hơn 20% kể từ đầu năm.

"Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ về tăng trưởng GDP và tăng trưởng lợi nhuận vào năm sau sẽ đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn dù không kỳ vọng việc nới lỏng chính sách sẽ hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng GDP", chuyên gia của VinaCapital cho hay.

Theo dự báo của ông Michael Kokalari, tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng vọt, từ 6% trong năm 2023 lên hơn 20% vào năm 2024. Do đó, sự phục hồi hiện tại của VN-Index, ban đầu được thúc đẩy bởi lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm sau.

Còn các chuyên gia của SSI Research nhận định, sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, "rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu do cung chốt lời và nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu DN vẫn chưa hoàn toàn giải quyết triệt để, biến động của tỷ giá cũng như khả năng suy thoái ở các nền kinh tế vẫn còn trước mắt. Điều này có thể khiến thị trường chứng khoán sẽ có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới" - SSI Research cho hay.

Chính vì vậy, theo SSI Research, thị trường sẽ cần thêm thời gian để lợi nhuận DN có thể bắt kịp với định giá. Nhà đầu tư nên tiếp tục hướng sự tập trung và phân bổ tỷ trọng lớn vào các ngành hoặc cổ phiếu đã tăng chậm hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm và có động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối năm.