Credit Suisse thoát khoảnh khắc Lehman nhưng hệ thống tài chính toàn cầu còn rủi ro. (Nguồn: CNBC)
Credit Suisse thoát khoảnh khắc Lehman nhưng hệ thống tài chính toàn cầu còn rủi ro. (Nguồn: CNBC)

Credit Suisse thoát cơn nguy kịch

Thêm một cú giải cứu lịch sử trên thị trường tài chính thế giới đã diễn ra. Hôm 19/3 (rạng sáng 20/3 giờ Việt Nam), ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý “mua lại khẩn cấp” ngân hàng lớn thứ hai nước này - Credit Suisse, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lan ra châu Âu và thế giới.

Theo Reuters, UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với trị giá khoảng hơn 3,2 tỷ USD, đồng nghĩa với việc UBS gánh khoản lỗ 5,4 tỷ USD của ngân hàng này.

Cụ thể, theo thỏa thuận, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu Credit Suisse nắm giữ (tổng trị giá hơn 3,2 tỷ USD). Trong tuần trước, cổ phiếu Credit Suisse đã giảm giá 25%. Ngân hàng này buộc phải sử dụng 54 tỷ USD cứu trợ từ ngân hàng trung ương (NHTW).

Thỏa thuận được NHTW Thụy Sĩ bảo lãnh, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ cung cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse. Đồng thời, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cung cấp hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS để tạo thuận lợi cho thỏa thuận.

Đây là thỏa thuận sáp nhập quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Như vậy, thị trường tài chính thế giới vừa thoát khỏi “khoảnh khắc” Lehman Brothers như đã xảy ra trong năm 2008. Một cuộc khủng hoảng có thể đã được ngăn chặn, tuy nhiên rủi ro vẫn còn. Tài sản của Credit Suisse quản lý trước khi bị mua lại lớn hơn Lehman nhiều.

Thế giới chung tay ngăn khủng hoảng

Vụ Credit Suisse được NHTW nhiều nước theo dõi sát sao. Khi Credit Suisse rơi vào khủng hoảng, các chuyên gia đánh giá vụ việc có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu bởi ngân hàng này có tổng tài sản khoảng 575 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Silicon Valley Bank (của Mỹ). Credit Suisse cũng tham gia nhiều thương vụ IB (tư vấn doanh nghiệp, IPO, phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành... ). Đồng thời, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ quản lý tài sản toàn cầu lên đến 1.700 tỷ USD.

Credit Suisse được xếp vào top 30 ngân hàng có độ rủi ro lớn nhất tới tài chính toàn cầu, và được xem là một trong những ngân hàng “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ). Đây có thể là lý do khiến NHTW Thụy Sĩ cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra tay ngăn không để Credit Suisse sụp đổ.

Khoảng hai tuần qua, NHTW nhiều nước lớn đã có những hành động chưa từng có: phối hợp hành động để tăng cường tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Nỗ lực mua Credit Suisse của UBS và nỗ lực hỗ trợ của các ngân hàng lớn trên thế giới cũng như các NHTW nhiều nước lớn được xem là động thái nhằm duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng vào cuộc để giải quyết vụ sụp đổ hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Việt Nam chịu ít ảnh hưởng

Ông Michael Kokalari, CFA chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, trong một báo cáo mới đây cho rằng, những vụ sụp đổ của SVB, Signature Bank hay cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam.

Theo ông, những vụ việc nói trên không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời và/hoặc khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam.

Về kinh tế, mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank sẽ không làm cho xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng chậm thêm. Xuất khẩu sang Mỹ chậm lại trong gần đây chủ yếu do hàng tồn kho của các nhà bán lẻ lớn và các công ty hàng tiêu dùng khác, như Nike ở Mỹ đã tăng mạnh khoảng 20% trong năm 2022.

Trên thực tế, việc Mỹ bơm tiền vào hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cùng với khả năng Fed sẽ thận trọng hơn trong các chính sách tiền tệ thắt chặt có thể kìm hãm đồng USD tăng giá, qua đó tiếp tục giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Chuyên gia Nga đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.(Nguồn: Vneconomy)
VinaCapital hiện vẫn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay. (Nguồn: Vneconomy)

Khi tỷ giá USD/VND bớt căng thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thêm dư địa để giảm lãi suất, qua đó hỗ trợ nền kinh tế. Hôm 15/3, NHNN đã ngược chiều thế giới và giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành.

VinaCapital hiện vẫn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.

Ông Vicente Nguyen, CIO của AFC Vietnam Fund, cho rằng, sự sụp đổ của tượng đài Credit Suisse có thể không gây ra cuộc khủng hoảng lây lan như sau vụ Lehman Brothers năm 2008 bởi đây là những sai lầm riêng của Credit Suisse (hay như SVB).

Như trường hợp Credit Suisse, câu chuyện đến từ những sai lầm của chính bản thân ngân hàng với các khoản lỗ tỷ USD trong các thương vụ như Greensill Capital hay Archegos Capital Management (một vụ cháy tài khoản kinh điển), khiến lợi nhuận tích tụ hàng thập kỷ bị cuốn bay và làm suy yếu danh tiêng của ngân hàng này.

Còn với Việt Nam, thị trường tài chính đã ổn định trở lại. Tỷ giá USD/VND và lãi suất trên hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh từ mức trên 6%/năm cách đây khoảng một tuần, xuống còn hơn 4%/năm như hiện tại.

Theo Mirae Assets, việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành là động thái quyết đoán và chủ động. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ những trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân.