Trong bối cảnh kinh tế Mỹ hiện nay, nhiều khả năng Fed sẽ giảm tốc và chấm dứt lộ trình tăng lãi suất trước cuối năm nay? |
Theo The Wall Street Journal, sự kiện SVB phá sản sẽ ảnh hưởng lâu dài tới thị trường tài chính, giá cổ phiếu và nhất là tâm lý của người gửi tiền tại Mỹ. Dòng tiền tại thị trường tài chính Mỹ đang đảo chiều và biến động mạnh. Trong vòng chỉ 1 tuần trước và sau quyết định tăng lãi suất của Fed, khách hàng đã rút tổng cộng gần 100 tỷ USD khỏi các ngân hàng nhỏ và khu vực.
Số liệu do Fed công bố ngày 25/3 cho thấy tổng số tiền gửi ngân hàng của người dân Mỹ chỉ còn trên 17.500 tỷ USD, giảm tới 582,4 tỷ USD so với tháng 2/2022 (giảm tương đương 0,6%).
Giới phân tích dự báo khách hàng sẽ tiếp tục rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ và chuyển sang các kênh đầu tư hay kênh bảo toàn tài sản chắc chắn hơn. Xu thế này có thể kéo dài tới cuộc họp lãi suất tiếp theo của Fed.
Chuyên gia Diane Swonk, kinh tế gia trưởng tại CME Group, đánh giá sự sụp đổ nhanh chóng của SVB đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed phải tính ngay tới việc giảm tốc lộ trình tăng lãi suất và việc ngân hàng trung ương này chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, neo ở biên độ 4,75-5%, là phản ứng tức thì và đầy tính linh hoạt của Fed.
Thông điệp từ điều chỉnh này là khá rõ ràng, rằng Fed vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực chống lạm phát bằng việc siết chặt chính sách tiền tệ, song cũng luôn lắng nghe phản ứng của thị trường tài chính để có điều chỉnh phù hợp với các diễn biến mới phát sinh.
Tuy nhiên, quyết định “rà phanh” lãi suất vừa qua của Fed chưa thể lập tức xoa dịu “cơn đau” của ngành ngân hàng Mỹ.
Rõ ràng vụ SVB phá sản đã phơi bày một mối đe dọa tiềm tàng mà rất nhiều ngân hàng tại Mỹ đang phải đối mặt: Đó là các khoản tiền gửi không có bảo hiểm. Lối kinh doanh kiểu “ăn theo chính sách” của các ngân hàng như SVB là "con dao hai lưỡi" và ngân hàng này đã hứng chịu hậu quả đau đớn khi Fed tăng mạnh lãi suất.
Chuyên gia tài chính William Isaac, cựu Chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), cảnh báo về nguy cơ một chuỗi cho vay sụp đổ như hồi những năm 1980.
Giới quan sát đánh giá, đối mặt với thách thức mới nảy sinh từ cơn địa chấn nhỏ trong ngành ngân hàng, chính phủ Mỹ và các thực thể tài chính của nước này đã có phản ứng khá nhanh chóng. Việc Ủy ban Bảo hiểm tiền gửi Liên bang và Fed lên tiếng đảm bảo cho các khoản tiền gửi của khách hàng đã ngăn chặn được “hiệu ứng domino” người dân ào ạt rút tiền khỏi các ngân hàng có độ rủi ro cao.
Một cuộc khủng hoảng toàn diện của ngành ngân hàng cũng tạm thời được chặn đứng. Tuy nhiên, đó mới là biện pháp chữa cháy trước mắt, còn về lâu dài, Mỹ cần có những điều chỉnh vĩ mô hơn trong chính sách điều hành và giám sát thị trường tài chính.
Vụ đổ vỡ cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn, giám sát chặt chẽ hơn, để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng và ngăn chặn các sự cố xảy ra trong tương lai.
Giới phân tích cho rằng, vụ sụp đổ của hai ngân hàng SB và nhất là SVB là cú sốc giúp Fed bừng tỉnh sau hơn 1 năm theo đuổi chính sách “chống lạm phát trên hết”, với 8 đợt tăng mạnh lãi suất liên tiếp.
Hệ lụy từ chính sách tiền tệ này đã phơi bày rõ qua đợt chao đảo vừa qua của ngành ngân hàng Mỹ. Trong khi viễn cảnh kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% vẫn còn xa vời, thì cơn gió nghịch do chính Fed tạo ra đã quật ngã nhiều ngân hàng lớn của nước này.
Tình hình thị trường tài chính-ngân hàng tại Mỹ trước cuộc họp lãi suất mới đây nhất của Fed có điểm tương đồng đáng quan ngại giống cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. Điều đó giải thích vì sao chính phủ Mỹ và các thể chế tài chính của nước này, như Fed và FDIC, đã phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn hiệu ứng domino và không để kinh tế Mỹ rơi ngược trở lại vào vòng xoáy suy thoái.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng Fed sẽ giảm tốc và chấm dứt lộ trình tăng lãi suất trước cuối năm nay.