Thông tin được ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) đưa ra tại chương trình kết nối “Các giải pháp vốn, tín dụng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh" chiều ngày 24/8 tại Hà Nội.
Theo ông Mạc Quốc Anh, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, được NHNN triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Theo đó, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn các DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay với nhóm DN này vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập. Đa số các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DN mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
Lãi suất tuy đã giảm nhưng quan trọng hơn là các điều kiện đi kèm để có thể vay được với lãi suất thấp có ý nghĩa lớn với DN.
“Do đó, HANOISME hy vọng và đề xuất các ngân hàng cắt giảm điều kiện cho vay, bởi vì càng cắt giảm điều kiện cho vay thì DN tiếp cận vốn càng dễ dàng hơn và tổng số vốn cho vay được nhiều hơn. Ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản”, Phó Chủ tịch HANOISME kiến nghị.
Hiệp hội cũng đề xuất ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ, đặc biệt các khoản vay từ quý III, IV/2022 để chia sẻ gánh nặng chi phí cho DN.
“Với các chương trình hiệp hội tổ chức thời gian qua cũng như sự kiện hôm nay, HANOISME mong muốn các đơn vị sẽ có nhiều giải pháp mới, đặc biệt là tăng khả năng vay tín chấp cho DN. Chúng tôi hy vọng các đơn vị mang đến nhiều giải pháp tài chính cho các hội viên của hiệp hội một cách hiệu quả nhất, qua đó tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Nêu lý do DNNVV khó tiếp cận vốn, ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, cho rằng, các DN còn thiếu năng lực kinh nghiệm. Liên quan đến báo cáo tài chính, nhóm DN này thường duy trì 2 hệ thống sổ sách kế toán.
Ngân hàng khi thẩm định năng lực cũng như tính khả thi của phương án, vấn đề về năng lực tài chính rất quan trọng. Tuy nhiên, do báo cáo tài chính của DN không qua kiểm toán, không phải báo cáo tài chính nộp thuế nên độ tin cậy thấp, không đánh giá được năng lực tài chính và kinh doanh của khách hàng.
Lý do khác là các DN hoạt động đơn lẻ. Khi xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi. Do đó, ngân hàng khó đánh giá hồ sơ của DN để cho vay, đặc biệt là những DN thiếu tài sản bảo đảm.
Để đáp ứng nhu cầu của DNNVV trong tiếp cận vốn vay, SHB đã và đang tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện “may đo” sản phẩm, dịch vụ phù hợp từng đối tượng khách hàng để DN dễ dàng tiếp cận vốn. Đồng thời, đưa các sản phẩm lên kênh online để khách hàng dễ dàng nhận biết về điều kiện vay vốn, từ đó có sự chủ động trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của các biến đổi và thách thức không ngừng, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng.
Bà Hương cũng mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Liên tục xây dựng và cải tiến các giải pháp về tín dụng phù hợp với nhu cầu thị trường, khách hàng và theo đặc thù từng nhóm ngành trọng điểm. Đặc biệt cần hỗ trợ DN tiếp cận vốn mọi lúc, mọi nơi, tiết giảm các thủ tục hành chính…