Chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực DN: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, sáng ngày 22/8, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, từ đầu năm tới nay, các phiên họp của Quốc hội luôn nhấn mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Các phiên họp Chính phủ hằng đều chỉ đạo về hỗ trợ DN, cải cách môi trường kinh doanh và nhiều phiên họp chuyên đề, văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ đề cập tới tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tuy vậy, quá trình cải cách môi trường kinh doanh còn chuyển biến, thậm chí môi trường kinh doanh còn thêm rào cản nặng nề hơn. Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này.

TS Nguyễn Minh Thảo đề xuất cần coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, DN chia sẻ vướng mắc, bất cập. Về môi trường bên ngoài, nhu cầu thị trường thế giới suy giảm. Các đối tác thương mại chính của Việt Nam phục hồi yếu tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tâm lý tiết kiệm và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng phổ biến hơn.

“DN rất khó khăn về tài chính. Việc thiếu vốn và gánh nặng chi phí (chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí tuân thủ quy định pháp luật) đang cản trở khả năng phục hồi của DN”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, một số gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa hiệu quả. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. Các kênh huy động vốn khác gặp khó do thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường trái phiếu DN ngưng trệ.

DN không chỉ khó tiếp cận vốn từ các quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ các quỹ.

“DN đang bị chậm hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt. DN xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với DN Hàn Quốc ngày 16/8/2023, DN cũng phản ánh thực tế này. Môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho DN”, bà Thảo nhấn mạnh.

Bà Thảo cho biết, sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật (về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng) là bất cập lớn được hầu hết các địa phương phản ánh.

Rào cản về đăng ký kinh doanh rất phổ biến. DN phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép.

Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó khăn.

Cũng theo bà Thảo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hạ lãi suất điều hành, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện mức độ khó khăn rất lớn của DN, dẫn tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm.

Bởi vậy, phục hồi và phát triển DN không chỉ là khơi thông điểm nghẽn về lãi suất mà cần khơi thông các rào cản tài chính từ nhiều phía.

NHNN cần tiếp tục hạ lãi suất để DN dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay. Tiếp tục áp dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng và phục hồi các kênh huy động vốn khác (chứng khoán, trái phiếu DN).

Hạ thấp các điều kiện để DN tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế.

“Cần coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho DN. Tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, DN và thiết lập cơ chế bảo vệ cán bộ thực thi”, bà Thảo đề xuất.

Gợi ý chính sách để hỗ trợ DN trước những khó khăn ngày càng tăng, ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn; tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

“Cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội phải đáp ứng nhu cầu thực và xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Cùng với đó, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; giảm thuế suất thu nhập cá nhân và giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng thiết yếu nội địa”, ông Thế Anh đề xuất.