Khủng hoảng tài chính toàn cầu mới?

Sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) được nhận định đều không có khả năng kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, như từng xảy ra với ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008.
Lo sợ bóng đen của SVB của Mỹ và Credit Suisse Thụy Sỹ, cổ phiếu ngân hàng sụt giảm 'khó đỡ'. (Nguồn: WSJ)
Lo sợ bóng đen của SVB của Mỹ và Credit Suisse Thụy Sỹ, cổ phiếu ngân hàng sụt giảm 'khó đỡ'. (Nguồn: WSJ)

Nhưng SVB cũng có hoạt động ở một số quốc gia gồm Vương quốc Anh, Thụy Điển, Trung Quốc và Ấn Độ, nên không ít người vẫn lo ngại về một “cuộc khủng hoảng” đã nhen nhóm.

Thực tế, so sánh với “thảm họa tài chính” 15 năm trước, số điểm khác biệt nhiều hơn điểm tương đồng. Vấn đề lần này được cho là mang tính cá nhân hơn là cấu trúc hay vĩ mô.

Trong một bài phân tích mới đây, nhà kinh tế học Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, trấn an rằng, “cuộc khủng hoảng SVB hoàn toàn không đáng sợ như mọi người lo ngại”.

Ông cho biết, tất cả những ai nghiên cứu về kinh tế đều thấy rằng, những vấn đề mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong năm 2023 rất khác so với những vấn đề trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tại thời điểm đó, xứ cờ hoa phải đối mặt với tình trạng các ngân hàng phá sản và nhu cầu giảm mạnh; trong khi hiện nay vấn đề ngân hàng phá sản chỉ là thứ yếu mà vấn đề nan giải lớn nhất là lạm phát, do nhu cầu vượt xa nguồn cung hiện có.

Đương nhiên, vẫn có một số nét tương đồng giữa hai sự kiện. SVB không phải là tổ chức tài chính lớn nhất ở Mỹ và Lehman Brothers vào năm 2008 cũng vậy. Bất cứ ai theo dõi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đều sẽ cảm thấy sợ hãi khi đối mặt với một “cơn sóng thần” rút tiền khỏi ngân hàng.

Nhưng SVB không phải là Lehman Brothers và năm 2023 không giống như năm 2008. Khả năng cao là sẽ không diễn ra khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống. Tin tốt là sau khi chính phủ vào cuộc để ổn định tình hình, có thể không cần phải sử dụng nhiều tiền thuế của người dân để giải quyết vấn đề.

SVB có thực sự mất khả năng thanh toán hay không? Vấn đề của ngân hàng này là không thể huy động đủ tiền mặt một lúc để xử lý một đợt rút tiền đột ngột của người gửi. Khi các điều kiện ổn định, tài sản của SVB có thể đủ để trả cho người gửi tiền và chính phủ không cần bơm thêm tiền.

Trên thực tế, với số tiền khổng lồ được giới công nghệ và đầu tư mạo hiểm giao phó trong giai đoạn “tiền rẻ” ở nước Mỹ, SVB đã đầu tư phần lớn vào các tài sản ổn định và rất an toàn, chủ yếu là trái phiếu dài hạn do chính phủ Mỹ và các cơ quan được chính phủ hậu thuẫn phát hành.