Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, về hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19, ông Dung cho biết ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỉ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Về giáo dục nghề nghiệp, ông Dung nhấn mạnh: “Ước thực hiện tuyển sinh trên 2.259 nghìn người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khoảng 2.096 nghìn người, đạt 115% so với kế hoạch”.
Đặc biệt, theo ông Dung thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý 1 đến quý 3/2022.
“Lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với năm trước. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, từ đầu quý 4 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ...”, ông Dung nói
Cũng theo ông Dung, thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường. Trong năm đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 48.835 lao động nữ), vượt mục tiêu đề ra.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thống nhất cao với báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH về những khó khăn, thách thức với công tác an sinh xã hội trong năm 2023. Nhận thức về vấn đề này, ngành BHXH muốn cùng phối hợp để mở rộng độ bao phủ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Hiện cả nước có gần 17,4 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội còn bảo hiểm y tế đã đạt tỷ lệ phủ trên 92% dân số.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong hoạt động, ông Mạnh nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ. 2 năm qua, số tiền hỗ trợ chi trả với các đối tượng lên tới hơn 104.000 tỉ đồng. Việc phối hợp từ khâu xây dựng chính sách với ngành lao động đã giúp việc triển khai thực hiện sau đó cũng thuận lợi, thống nhất, nhanh gọn. Qua đó, hiện tượng trục lợi chính sách được hạn chế tối đa.
Về những thách thức cần giải quyết trong năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập trước hết là vấn đề già hóa dân số. Tiếp đó là vấn đề thị trường lao động phi chính thức vẫn đang chiếm tỷ lệ cao, 55,9%. Đó là một thách thức với hệ thống an sinh.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB-XH nêu nhiều nhiệm vụ lớn trong năm mới, với mục tiêu phát triển chính sách bền vững, hiện đại. Vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, theo đó là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Ngoài ra, ông Dung cũng cho rằng Luật Việc làm, luật Bảo hiểm xã hội là những chính sách trọng tâm sẽ được ngành tập trung cho năm 2023; vấn đề thực hiện chính sách như chính sách chăm lo với người có công, giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng là nhiệm vụ được xác định cần tiếp tục chú trọng.