kho-bac-nha-nuoc-day-manh-thu-chi-ngan-sach-bang-hinh-thuc-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1673266949.jpg
Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thu, chi ngân sách bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

KBNN cho biết, việc đẩy mạnh triển khai Đề án trong năm 2022 đã bước đầu ghi nhận được nhiều kết quả khả quan. Thanh toán không dùng tiền mặt chính là bước đầu để hiện thực hóa Kho bạc số với mục tiêu "3 không" theo nội dung được xác định tại Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2030: Không tiền mặt, Không khách hàng giao dịch trực tiếp, và Không chứng từ giấy.

Về lợi ích của Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, KBNN cho biết, thực hiện phương thức thanh toán này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, lợi ích của phương thức này càng thể hiện rõ khi các đơn vị không phải đến giao dịch trực tiếp.

Đề án thanh toán không dùng tiền mặt chính là xu thế hiện nay, góp phần cùng ngành Tài chính chuyển đổi số thành công. Sở dĩ Đề án được triển khai thuận lợi là do nền tảng cơ sở công nghệ thông tin của KBNN hiệu quả, các cán bộ trong toàn hệ thống làm việc trách nhiệm tâm huyết... Đặc biệt là nhận thức của người dân đã có sự thay đổi.

Đến nay, KBNN đã tập trung triển khai, ký kết Thỏa thuận về quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với các ngân hàng thương mại. Kết nối và triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với 15 ngân hàng thương mại, 04 ngân hàng thương mại đang xây dựng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến triển khai. Cùng với đó, số lượng tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của KBNN tại hệ thống các ngân hàng thương mại là khoảng 2.969 tài khoản.

Bên cạnh đó, KBNN đã thường xuyên khuyến khích khách hàng thu nộp ngân sách nhà nước qua POS (máy chấp nhận thẻ) tại các đơn vị KBNN; vận động các tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN sử dụng các hình thức thu nộp điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các ngân hàng thương mại hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế…

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong năm 2022, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,16% so với tổng thu ngân sách qua KBNN. Như vậy, mức thu bằng tiền mặt đã giảm 0,17% so với năm 2021.

Về chi ngân sách, KBNN cho biết, trong năm 2022, hệ thống KBNN tiếp tục rà soát mở chi thanh toán cá nhân qua tài khoản. Đồng thời, triển khai thí điểm việc kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông,...).

Kết quả cho thấy, số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,36% so với tổng chi qua KBNN, giảm 0,27% so với năm 2021.

KL