Grab, BE sẽ làm gì để đón khách tại Tân Sơn Nhất?

Trong bối cảnh việc đón khách tại cảng hàng không trở nên khó khăn, hãng xe công nghệ đã tính đến phương án mua suất nhượng quyền của sân bay để đảm bảo quyền lợi cho các tài xế.
xe cong nghe tai Tan Son Nhat anh 1

"Một chuyến xe công nghệ, sau khi phải gánh thêm 15.000 đồng phí gửi xe, thì giá cước không còn rẻ hơn taxi truyền thống là bao nhiêu, đã thế còn phải leo 3 tầng nhà mới bắt được xe", một hành khách đứng phàn nàn tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay này từ chối cho xe công nghệ đón khách trước sảnh ga quốc nội.

Đó cũng là thực tế mà các tài xế Grab Car, BE Car đang nhìn thấy. Trong tương lai, cước phí mỗi chuyến xe của họ sẽ phải gánh thêm cả phí nhượng quyền sân bay là điều có thể dự đoán trước.

Sức hấp dẫn của xe công nghệ bị giảm

Trong một phóng sự thực nghiệm, hai phóng viên của Zing đã thử di chuyển từ sân bay về cùng một địa điểm trong TP.HCM bằng taxi nhượng quyền và xe công nghệ.

Cùng quãng đường, giá cước taxi nhượng quyền là 62.000 đồng, cước xe công nghệ chỉ 48.000 đồng. Điều đáng nói là hành khách đi taxi nhượng quyền chỉ phải trả thêm 10.000 đồng phí vào cửa sân bay, trong khi khách đi xe công nghệ phải trả 25.000 đồng phí nhà gửi xe.

xe cong nghe tai Tan Son Nhat anh 2

Hành khách phải leo 3 đến 5 tầng để bắt xe công nghệ ở sân bay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lựa chọn xe công nghệ khiến hành khách tốn tổng cộng 73.000 đồng, đắt hơn 1.000 đồng so với taxi truyền thống, chưa kể thời gian di chuyển lên tầng 3 để bắt xe công nghệ khiến khách tốn thêm 9 phút.

Phóng sự trên cho thấy nguy cơ "mất khách" rõ ràng của các hãng xe công nghệ. Lợi thế giá rẻ của họ đã bị xóa bỏ, đặc biệt với những quãng đường di chuyển ngắn.

Chia sẻ với Zing, đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết sân bay không ép buộc các tài xế xe công nghệ phải đợi khách trong nhà để xe. Vì các hãng này không trả phí nhượng quyền nên về bản chất không phải là đối tượng để cảng có trách nhiệm sắp xếp, bố trí nơi dừng đỗ.

"Việc đón khách trên tầng 3, 4, 5 của nhà để xe là chính Grab hướng dẫn các tài xế của họ, không phải yêu cầu của chúng tôi", vị đại diện sân bay cho biết.

Trên thực tế, các hãng xe công nghệ cũng phải chịu áp lực trước các tài xế đối tác khi quyền lợi đón khách tại sân bay bỗng nhiên bị cản trở. Hai thương hiệu xe công nghệ phổ biến nhất tại Tân Sơn Nhất hiện nay là Grab Car và BE Car đều đang tính toán phương án ứng phó với sự thay đổi này.

Trao đổi với Zing, đại diện hãng xe công nghệ BE cho biết trước mắt các tài xế BE sẽ phải đón khách tại tầng 3, 4, 5 của nhà gửi xe TCP, không được đón khách tại làn D (tầng 1 của nhà gửi xe).

Để đảm bảo quyền lợi cho tài xế cũng như để phục vụ khách hàng tốt hơn, BE đang tính phương án ký hợp đồng nhượng quyền với sân bay. Đại diện cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng xác nhận việc xúc tiến ký hợp đồng nhượng quyền với BE.

Điều hành khách quan tâm là nếu các hãng xe công nghệ phải gánh thêm phí nhượng quyền của cảng, giá cước của họ liệu có bị đội lên đáng kể hay không. Về vấn đề này, đại diện BE cho biết sự thay đổi giá cước còn phụ thuộc kết quả đàm phán.

Đi từ sân bay Tân Sơn Nhất - taxi hay xe công nghệ rẻ hơn? Sau khi thực hiện phân luồng tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách sử dụng xe công nghệ phải di chuyển xa hơn để bắt xe và chịu thêm phí. Điều này khiến thời gian di chuyển lâu hơn.

Điều gì xảy ra khi ai cũng nhượng quyền?

Khẳng định với Zing, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết cảng Tân Sơn Nhất sẵn sàng đàm phán nhượng quyền khai thác cho các hãng xe công nghệ để việc đưa đón khách đi vào quy củ.

xe cong nghe tai Tan Son Nhat anh 3

Làn D sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ dành riêng cho các hãng taxi đã ký hợp đồng nhượng quyền. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, vị này khẳng định dù cảng có mở lối cho bao nhiêu doanh nghiệp vào khai thác thì vẫn sẽ giữ làn A chỉ dành riêng cho việc đưa khách đến sân bay. Đây là điều kiện tiên quyết để giúp xe cộ đưa người đến sân bay không phải chịu cảnh ùn tắc như trước đây.

Đối với các làn còn lại, sân bay có thể cho các hãng xe công nghệ đón khách sau khi ký hợp đồng nhượng quyền. Tuy nhiên, chỉ các hãng taxi nhượng quyền mới được mua vị trí đỗ cố định trước sảnh nhà ga. Xe công nghệ chỉ được đến đón trả khách và không dừng quá 3 phút, không được "nhích từng bước" tại lối vào cảng gây ùn tắc giao thông.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp tất cả hãng xe công nghệ đều ký hợp đồng nhượng quyền đón khách với cảng hàng không, tình trạng ùn tắc có tái diễn không?

Sân bay khi đó sẽ đối mặt với bài toán dung hòa lợi ích cho các hãng trong bối cảnh lối đi chật chội, thường xuyên quá tải vào dịp cao điểm.

Trong quá trình đàm phán hợp đồng nhượng quyền, một hãng xe tiết lộ với Zing rằng số slot dừng đỗ cho xe đưa đón tại sảnh nhà ga quốc nội đang cạn kiệt. Sân bay đã phải tính đến phương án cho đón khách quốc nội tại nhà ga quốc tế T2 vốn đang vắng vẻ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, phương án này không thể duy trì lâu dài.

"Hạ tầng không thay đổi thì tình trạng quá tải vẫn còn đó. Điều quan trọng, như tôi đã nói nhiều lần, là phải mở thêm lối vào sân bay từ hướng bắc thay vì chỉ có hướng nam. Đường Trường Sơn đã quá tải và trở thành điểm nghẽn", PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, chia sẻ.

Link nguồn: https://zingnews.vn/grab-be-se-lam-gi-de-don-khach-tai-tan-son-nhat-post1154529.html