goi-ho-tro-lai-suat-40000-ty-dong-moi-giai-ngan-duoc-gan-15-1693356786.jpg

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng. Như vậy, gói 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 1,5%.

Riêng gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường được triển khai khá tích cực.

Nhiều nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng giải ngân chậm. Các doanh nghiệp chia sẻ, điều kiện vay chặt chẽ, rủi ro thanh kiểm tra cao là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ. Vì vậy, với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

NHNN cũng nhìn nhận, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như tâm lý e ngại thanh kiểm tra của doanh nghiệp, họ cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí phải bỏ ra khi theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm...

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12 năm nay. NHNN dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân.

Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những thay đổi từ gói này, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện, bởi những vướng mắc hiện nay không dễ tìm ra giải pháp.

Nhiều kiến nghị cho rằng có thể chuyển nguồn tiền này thành các quỹ bảo lãnh tín dụng, với các điều kiện cho vay thông thoáng hơn, không yêu cầu thế chấp bằng bất động sản để tháo gỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, nguồn vốn chưa dùng hết có thể chuyển sang các chính sách về tài khóa, hỗ trợ giảm thuế, phí trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.