Giảm lãi suất hướng tới mục tiêu kép

Chiều ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành.
Tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sau khi điều chỉnh vẫn ở mức thực dương
Tại: Hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành lúc này sẽ tác động thế nào lên tỷ giá, lạm phát?
NHNN sẽ không có lý do gì để không tiếp tục chính sách tỷ giá hiện nay cho dù đồng nhân dân tệ và các đồng tiền khác trong khu vực biến động mạnh.
Tại: Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và tình thế của Việt Nam...

Cụ thể, tại quyết định số 1728, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Cùng đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cũng giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm. Quyết định số 1729/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Tại Quyết định số 1730/QĐ-NHNN, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng giảm 0,5 điểm phần trăm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm… Các quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1/10.

Lý giải cho lần điều chỉnh này, NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng đạt 3,85%. Việc quyết định giảm thêm lãi suất điều hành theo NHNN nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính (Bộ Tài chính), quyết định giảm đồng loạt các loại lãi suất điều hành là phù hợp với diễn biến thị trường. Bởi lạm phát đang có xu hướng giảm, trong khi tín dụng đang tăng trưởng chậm, việc giảm lãi suất sẽ vừa hỗ trợ tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm NHNN giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giảm chi phí vay vốn của DN và người dân.

TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho biết, ông không bất ngờ với quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN vì trước đó, lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất khi điều kiện thị trường cho phép. Hiện tại, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp... “Đây là cơ sở quan trọng để NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các TCTD có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế”, ông Thành nói.

Trên thực tế, kể từ đầu tháng 9 đến nay, làn sóng giảm lãi suất huy động diễn ra mạnh hơn. Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, NamABank… đồng loạt giảm thêm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục.

Việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng theo đánh giá của giới chuyên môn là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện tại, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Theo TS. Võ Trí Thành, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Do vậy thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới. TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ nay đến cuối năm, dù vẫn còn khả năng hạ lãi suất thêm lần nữa, nhưng khó xảy ra nếu quá trình phục hồi kinh tế cả trong nước và thế giới tốt hơn.

Để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế, theo đề xuất của TS. Nguyễn Đức Độ, thời gian tới, chính sách tài khóa cần phải đẩy mạnh hơn như giải ngân đầu tư công... Thông qua chính sách này, tiền bơm trực tiếp vào nền kinh tế thông qua chi tiêu, nhu cầu đầu tư cũng cao hơn. Hoặc Việt Nam nối lại chính sách thương mại với các nước trên thế giới sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư của DN tăng lên, kích thích họ vay vốn ngân hàng nhiều hơn. Khi đó, tính nhạy cảm lãi suất sẽ tích cực hơn. Còn hiện tại, tính nhạy cảm của tổng cầu đang cao hơn so với lãi suất.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng