'Giảm chi phí và sự phức tạp trong kinh doanh sẽ mang lại lợi ích doanh nghiệp'

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh: Việc giảm chi phí và sự phức tạp trong kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, phần đông là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh.
ong-greg-testerman-chu-tich-hiep-hoi-doanh-nghiep-hoa-ky-tai-viet-nam-1679218518.jpg
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)

Theo đại diện Amcham, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên gia hạn đóng góp do quốc gia tự quyết định đối với Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2020, cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài.

"Những cơ chế mà chúng tôi đưa ra về mua bán điện trực tiếp rất quan trọng để giảm được carbon cũng như có được tăng trưởng bền vững. Và điều quan trọng nữa trong việc thu hút đầu tư mới đối với năng lượng tái tạo là có được những dự án có khả năng cấp vốn ngân hàng năm 2023", ông Greg Testerman nói.

Cùng với đó, ông Greg Testerman cũng bày tỏ mong muốn có những khung pháp lý đầy đủ cho nền kinh tế số, ví dụ như sự tiếp cận đối với dịch vụ toàn cầu.

“Bảo vệ dữ liệu rất quan trọng để bảo đảm được tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng số, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Một số thủ tục hiện nay còn vướng mắc về thiết bị kỹ thuật số vẫn là rào cản và chúng tôi rất muốn có được sự đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu cũng như những chứng chỉ cần thiết từ những quốc gia đáng tin cậy”, Greg Testerman khẳng định.

Về các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Chúng tôi đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.

Hiện nay, Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về hiệp định thuế trước những thay đổi về Luật Thuế của Hoa Kỳ vào năm 2019. Cả hai quốc gia đang trong quá trình tiến tới ký kết một thỏa thuận sửa đổi một phần nhỏ và chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay. Điều này rất quan trọng đối với công dân và các công ty Hoa Kỳ đang làm việc tại Việt Nam.

"Chúng tôi coi trọng quan hệ đối tác và đối thoại với Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường pháp lý trong nước. Mặc dù chúng tôi ghi nhận việc loại bỏ và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính đang được thực hiện, các luật và quy định gần đây vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới như cấp phép, phê duyệt và các yêu cầu báo cáo cồng kềnh. Chúng tôi khuyến nghị xem xét cẩn trọng và tránh mọi gánh nặng hành chính bổ sung nào có thể trong các dự thảo luật và quy định", Chủ tịch AmCham nói.

Với tư cách là những nhà đầu tư lớn ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ luôn kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công. Các vấn đề nêu ra cũng bày tỏ niềm tin của chúng tôi rằng có thể hỗ trợ môi trường kinh doanh tốt nhất bằng các hành động giúp tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro khi kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và sự phức tạp trong kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, phần đông là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, từ đó sẽ bảo đảm khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, không chỉ để khiếu nại mà để xác định và thực hiện các giải pháp, đồng thời tích cực ủng hộ cho một môi trường kinh doanh tốt hơn và khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn ở Việt Nam", ông Greg Testerman khẳng định.