Giá vàng hôm nay 26/1, Giá vàng thế giới tăng nóng chạm 1.850 USD, vàng SJC cao lịch sử

Giá vàng hôm nay 26/1 tiếp tục tăng nhanh khi khẩu vị rủi ro của giới đầu tư thế giới giảm bởi nhiều yếu tố tác động mạnh. Giá vàng trong nước tăng chóng mặt thiết lập đỉnh lịch sử 62,7 triệu đồng/lượng, tạo mức chênh kỷ lục lên tới 12 triệu đồng so với giá vàng thế giới.
Giá vàng hôm nay 26/1, Giá vàng thế giới chạm 1.850 USD, vàng SJC cao nhất lịch sử
Giá vàng hôm nay 26/1 tiếp tục tăng nóng chạm 1.850 USD, vàng SJC neo cao lịch sử. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 26/1 neo cao kỷ lục

Giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng từ 110.000 đồng/lượng đến 300.000 đồng/lượng tại hầu hết hệ thống kinh doanh trên toàn quốc, tại phiên chốt giao dịch chiều qua (25/1). Trong đó, điều chỉnh mạnh nhất gồm có Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ tăng đồng thời 200.000 đồng/lượng ở chiều bán, còn chiều mua tăng lần lượt 250.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng; Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Điều chỉnh ít hơn có Công ty VBĐQ Sài Gòn tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên. Còn hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng 110.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra.

Giá vàng trong nước đã tăng nhanh và liên tục được các hệ thống kinh doanh điều chỉnh mạnh trong sáng qua, có lúc vàng SJC đã thiết lập nên đỉnh lịch sử 62,7 triệu đồng một lượng (ghi nhận tại Công ty VBĐQ Sài Gòn lúc 11h20 ngày 25/1, giá mua và bán cùng tăng tới 750.000 đồng so với phiên liền trước lên 62,05 - 62,7 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng miếng trong nước.

Từ đầu tháng 12/2020 đến nay, giá vàng SJC thường xuyên neo cao trên 61 triệu đồng một lượng. Tính trong một tuần, giá vàng miếng đã tăng 1 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng trong nước thiết lập mức chênh kỷ lục lên tới 12 triệu đồng so với giá vàng quốc tế. Mức đỉnh gần nhất mà giá vàng miếng SJC từng thiết lập là vào tháng 8/2020, cũng với đà tăng chóng mặt trong thời gian ngắn đã vọt lên 62,4 triệu đồng/lượng.

Tổng hợp giá vàng SJC niêm yết tại phiên giao dịch liền trước (ngày 25/1) như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,90 – 62,57 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 61,95 – 62,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,95 – 62,60 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 61,90 – 62,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,97 – 62,55 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh tăng mạnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,66 – 54,36 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,15 – 54,25 triệu đồng/lượng.

Động lực tăng giá đang được củng cố?

Giá vàng thế giới tiếp tục điều chỉnh tăng 4,7 USD so với phiên liền trước, hiện đang giao dịch tại 1.847,9 USD/ounce, ghi nhận của TG&VN vào 4h55 ngày 26/1 (giờ Việt Nam). Dù đã giảm nhẹ từ mức cao nhất trong phiên gần đây nhưng động lực tăng giá trên thị trường vàng đang được củng cố khi giá vàng thế giới giữ gần ngưỡng kháng cự quan trọng - 1.850 USD/ounce, thậm chí khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tốt hơn dự kiến.

Thứ ba (25/1), Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ được công bố đã giảm ít hơn dự kiến ​​xuống 113,8 vào tháng Giêng, giảm so với mức 115,8 vào tháng 12/2021. Nhưng dữ liệu này đã tốt hơn mong đợi vì dự báo trước đó chỉ vào khoảng 111,4 điểm. Dữ liệu thị trường cho thấy nền kinh tế bước vào năm mới trên nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, kỳ vọng về triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn đã yếu đi, cho thấy có khả năng tăng trưởng sẽ ở mức vừa phải trong quý đầu tiên của năm 2022.

Trong các phiên giao dịch gần đây nhất, thị trường thế giới bị tác động nhiều bởi sự lên xuống của USD trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc, thắt chặt chính sách tiền tệ. Thị trường hiện tập trung vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, bắt đầu vào chiều ngày 25/1. Trước đó, Fed đã nhiều lần gợi ý về một đợt tăng lãi suất vào tháng 3.

Giá vàng hiện được hưởng lợi nhờ nhu cầu trú ẩn tài sản lớn, do căng thẳng địa chính trị quanh vấn đề Ukraine. Chứng khoán Mỹ hôm qua cũng bị bán tháo đầu phiên do căng thẳng này và kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát.

Michael Langford, Giám đốc tại công ty tư vấn AirGuide nhận định, những yếu tố khác ảnh hưởng tới biến động giá vàng là khẩu vị rủi ro của giới đầu tư giảm do căng thẳng địa chính trị leo thang, lợi suất trái phiếu tăng vì kỳ vọng Fed giảm hỗ trợ kinh tế và các quỹ đầu tư giảm vị thế mua ròng. "Thị trường vẫn chưa rõ tác động tiềm tàng của vấn đề Ukraine đối với thị trường toàn cầu", chuyên gia Langford nói.

Trong khi đó, với quan điểm khác, Michael Hewson, Nhà phân tích thị trường tại CMC Markets cho biết, Fed khó có thể gây ảnh hưởng lớn lên vàng hiện tại. Nguyên nhân là "các thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến tình hình Đông Âu", đặc biệt là khi đợt tăng lãi tháng 3 đã được dự báo từ lâu.

Thị trường cũng cho thấy rõ tâm lý của giới đầu tư, khi lượng vàng nắm giữ tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng lên cao nhất kể từ cuối tháng 8/2021 hôm 21/1.

Trong dự báo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 xuống còn 4,4%, với các điều chỉnh giảm đáng kể nhất được báo cáo ở cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với các ước tính trước đó. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của IMF lo ngại về số ca lây nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát cao hơn là những lý do chính để họ điều chỉnh dự báo.

"Nền kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 ở vị thế yếu hơn so với dự kiến ​​trước đây", báo cáo nêu rõ. "Tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​sẽ chậm lại còn 3,8% vào năm 2023. Mặc dù con số này cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nhưng việc nâng cấp phần lớn phản ánh một sự tăng trưởng cơ học sau khi các lực cản tăng trưởng hiện tại tiêu tan trong nửa cuối năm 2022".

Tại Mỹ, GDP hiện được cho là sẽ tăng 4% vào năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. IMF nhấn mạnh tới tác động tới nền kinh tế sau khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ, gián đoạn chuỗi cung ứng và loại bỏ gói tài chính Build Back Better (Kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn) của Tổng thống Joe Biden.