Giá vàng hôm nay 24/2 abc
Giá vàng hôm nay 24/2, Giá vàng giảm đà tăng, thị trường vượt nỗi sợ hãi tồi tệ nhất, SJC như diều gặp gió. (Nguồn: Fox Business)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 24/2

Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/2, giá vàng trong nước tăng 150 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, lên gần 63,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Thời điểm 8h40’, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 63,15 - 63,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC không đổi ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 63,15 - 63,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 62,95-63,65 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Trong phiên giao dịch chiều 23/2, giá vàng châu Á giao dịch dưới mức 1.900 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất trong 9 tháng trong phiên trước do tình hình căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Vào lúc 14h31’ giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giữ ở mức 1.895,43 USD/ounce, sau khi tăng lên 1.913,89 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 1/6 trong phiên 22/2.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 6h58' ngày 22/2, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.911 - 1.912 USD/ounce, tăng 2,1 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 23/2:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 63,3 – 63,9 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 63,2 – 63,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 63,25 – 63,75 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 63,3 – 63,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 63,27 – 63,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,93 – 54,58 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,35 – 54,45 triệu đồng/lượng.

Đà phục hồi của vàng chậm lại

Đầu phiên, giá vàng thế giới điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi các tài sản rủi ro tăng giá trở lại, trong bối cảnh các nhà đầu tư vàng đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời chuẩn bị cho việc thắt chặt chính sách sắp xảy ra của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.894,59 USD/ounce vào lúc 12h17 GMT, rời khỏi mức cao nhất trong 9 tháng là 1.913,89 USD đạt được hôm thứ Ba. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.896 USD/ounce.

Tuy nhiên, đến cuối phiên, trên sàn giao dịch Kitco, giá vàng thế giới đã tăng 2,1 USD/ounce so với phiên hôm trước, ở mốc 1.911 - 1.912 USD/ounce.

Han Tan, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity cho biết: “Vàng đã có lúc điều chỉnh xuống dưới mức quan trọng 1.900 USD do các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và phương Tây không phải là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của thị trường”.

Các quốc gia phương Tây hôm thứ Ba đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga vì Tổng thống nước này Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine, đồng thời quyết định điều binh sĩ vào các khu trên.

Nhà phân tích Han Tan nói: "Nếu lo ngại về căng thẳng địa chính trị lắng xuống, điều đó sẽ khiến đường lối thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở thành động lực chính của vàng, với việc lợi tức kho bạc thực tế tăng cao hơn nữa có khả năng làm giảm chi phí rủi ro địa chính trị hiện đang áp vào giá vàng".

Tuần trước, các quan chức Fed đã dập tắt những kỳ vọng của thị trường về một phản ứng ban đầu tích cực đối với lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn vào thứ Tư, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Tuy nhiên, tài sản trú ẩn an toàn của vàng là đồng USD cũng giảm xuống, hạn chế thiệt hại đối với kim loại quý được định giá bằng đồng bạc xanh.

Xiao Fu, người đứng đầu chiến lược thị trường hàng hóa tại Bank of China International, cho biết, trong khi đà tăng của vàng có thể tạm thời chậm lại, kim loại quý vẫn ở mức khá cao và tình hình ở Ukraine vẫn còn nhiều biến động.

Trước đó, chiến lược gia Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ) nhận định, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn là nhân tố ảnh hưởng đến thị trường vàng.

Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo "đợt trừng phạt đầu tiên” nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và "giới tinh hoa" trong lĩnh vực này. Ông nêu rõ các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 23/2, được đưa ra có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ.

Cùng ngày, Anh thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ nước này đã quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic.

Theo ông Spivak, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, vàng sẽ có xu hướng giảm sau khi vấn đề liên quan đến Ukraine lắng xuống. Chuyên gia này cho rằng giá vàng có thể đứng ở mức 1.750 USD/ounce.

Giá vàng đang giảm dần khi mà nỗi sợ hãi bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên, rủi ro về một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn còn hiện hữu.

Nhà đầu tư ngoài mua vàng vì rủi ro địa chính trị còn lựa chọn kim loại quý để phòng ngừa lạm phát do giá năng lượng tăng vọt.

Thị trường khá chờ đợi cuộc họp G7 vào hôm nay (24/2) và những diễn biến địa chính trị xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hiện tại, dòng tiền chạy tới tài sản an toàn vẫn là chủ đạo.