Giá vàng hôm nay 2/12, Giá vàng tăng vọt, dự báo năm 2022 vàng lướt sóng theo lạm phát, cao chót vót

Giá vàng hôm nay đảo chiều tăng vọt lên sát ngưỡng 1.800 USD/ounce, kim loại quý lấy lại vị thế vốn có. Dự báo giá vàng tiếp tục tăng cao, thậm chí tới 3.000 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát vẫn cao chót vót.
Giá vàng hôm nay 2/12
Giá vàng hôm nay đảo chiều tăng vọt lên sát ngưỡng 1.800 USD/ounce. Dự báo giá vàng tiếp tục tăng cao, thậm chí tới 3.000 USD/ounce . (Nguồn: Business-standard)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay

Mở cửa phiên giao dịch sáng 1/12, cùng xu hướng giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm tiếp 250 nghìn đồng/lượng.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 250 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 59,75 - 60,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 59,8 - 60,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 1/12, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu giảm và sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế do xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Vào lúc 15h40 phút chiều (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,3% lên 1.778,56 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,2% lên 1.780,60 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h12’ ngày 1/12, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.789 - 1.790 USD/ounce, tăng 14,2 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 1/12:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 59,95 – 60,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,85 – 60,45 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 59,95 – 60,55 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 59,8 – 60,55 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 59,96 – 60,53 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,621 – 52,27 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,05 – 52,15 triệu đồng/lượng.

Vàng lấy lại vị thế

Theo Reuters, vàng đã lấy lại vị thế trong bối cảnh cả thế giới đang lo ngại biến thể Omicron và coi kim loại quý là phao trú ẩn an toàn.

Trong phiên giao dịch ngày 1/12, giá vàng tăng khi một số nhà đầu tư rút lui trong phiên trước để mua vàng miếng, coi đây như một hàng rào chống lại sự biến động tổng thể của thị trường trong bối cảnh lo ngại kéo dài về tác động của biến thể Omicron.

Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.785,38 USD/ounce vào lúc 12h24 GMT, sau khi giảm tới 0,9% trong phiên giao dịch hôm 30/11 do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận xét rằng ngân hàng trung ương sẽ thảo luận về việc có nên kết thúc việc mua trái phiếu sớm hơn dự kiến ​​hay không trong cuộc họp tháng 12 và từ “tạm thời” không còn là thuật ngữ chính xác mô tả lạm phát.

Phiên 1/12, giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,7% lên 1.788,10 USD/ounce.

Sự phục hồi của vàng đi kèm với sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư sử dụng giá giảm để đặt cược rằng biến thể Covid-19 mới nhất sẽ không làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế, cho thấy dòng vốn trú ẩn an toàn vào vàng có thể không mạnh như dự đoán.

Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết, những lo ngại liên quan đến virus đang cung cấp cho vàng "sự hỗ trợ hạn chế", và vàng cũng được hưởng lợi từ bối cảnh này.

“Trong khi vàng có thể được hưởng lợi thì các câu hỏi về tác động của biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 tới nền kinh tế vẫn chưa có lời giải đáp. Câu chuyện chính vẫn tập trung vào những gì Fed sẽ làm và vàng có thể đối mặt với áp lực nếu dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ xác nhận sự tăng trưởng của thị trường lao động”, Evangelista nói thêm.

Việc giảm kích thích và tăng lãi suất sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, làm tăng chi phí cơ hội của vàng, một tài sản vốn không có lãi suất.

Mỹ đã áp đặt các quy định phòng dịch nghiêm ngặt hơn đối với những người nhập cản, và nhiều quốc gia đã thắt chặt biên giới trong bối cảnh không chắc chắn về biến thể Omicron.

Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết vàng vẫn bị mắc kẹt trong phạm vi 1.770 - 1.825 USD.

Trước đó, nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết: "Triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực lạm phát dai dẳng có thể khiến cuộc tranh luận về “lạm phát đình trệ” lấy lại sức hút. Vàng có thể được hưởng lợi từ bối cảnh kinh tế này nhưng vẫn bị ràng buộc bởi dữ liệu về tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế”.

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1.850 USD/ounce trong năm tới trước khi giảm xuống 1.600 USD/ounce vào năm 2023.

Theo Credit Suisse, "Fed sẽ tăng lãi suất một lần vào nửa cuối năm sau, và từ nay đến sau đó, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, dẫn đến lãi suất thực vẫn âm sâu, điều này là tích cực đối với vàng".

Trong khi đó, bà Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Murenbeeld & Co., cho biết, giá vàng sẽ đẩy trở lại mức 1.900 USD/ounce vào đầu năm 2022 khi thị trường tạo ra một phạm vi mới trong môi trường lạm phát ngày càng tăng. Với bà, đà tăng của vàng sẽ còn rất lâu nữa mới kết thúc.

Chúng tôi tin rằng trước khi xu hướng tăng giá này kết thúc, vàng sẽ vượt mức cao theo lạm phát, chạm tới 3.000 USD/ounce.