Giá vàng hôm nay 19/1, Giá vàng giảm USD tăng, thời điểm rủi ro chưa từng có
Giá vàng hôm nay 19/1 giảm liên tục trước sự xuất hiện áp lực mới tác động tiêu cực. (Nguồn: Goldprice)

Cập nhật giá vàng hôm nay 19/1

Giá vàng trong nước chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, ngoại trừ Tập đoàn Phú Quý và hệ thống kinh doanh của Bảo tín Minh Châu có điều chỉnh nhẹ đối với vàng SJC vào cuối phiên, đồng loạt tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng giữ nguyên ở chiều bán, thì các thương hiệu mạnh khác như Công ty VBĐQ Sài Gòn, Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ không thay đổi so với giá công bố buổi sáng.

Tổng hợp giá vàng SJC niêm yết tại phiên chốt ngày 18/1 như sau:

Công ty VBĐQ SàiGòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,10 – 61,72 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 61,05 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,25 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,90 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,26 – 61,64 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,64 – 53,29 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,05 – 53,15 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới chưa quyết được hướng đi tiếp theo?

Giá vàng thế giới đang rời xa ngưỡng quan trọng 1.820 USD/ounce, giảm tiếp 6 USD so với chốt phiên liền trước, giao dịch tại 1,813,2 USD/ounce, ghi nhận lúc 4h40 sáng ngày 19/1 (giờ Việt Nam) trên sàn điện tử Kitco. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 2,50 USD xuống 1.813,90 USD/ounce.

Xuất hiện áp lực mới tác động tiêu cực tới mặt hàng kim loại quý trong bối cảnh lạm phát lên cao, bất ổn địa chính trị gia tăng. Kim loại quý đang chịu áp lực mạnh về giá do lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và chỉ số USDX mạnh hơn trong ngày. Một số nhà đầu tư ưa rủi ro cũng đã góp phần quan trọng hạn chế đà tăng của kim loại trú ẩn an toàn.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã lên cao nhất trong 2 năm, trong khi đồng USD tăng so với các đồng tiền đối thủ khác trên cơ sở những tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ của Fed, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu trong ngắn hạn vẫn là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn ra trong hai ngày 25-26/1 tới đây, theo đó, Fed có thể chính thức thông báo thời điểm tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế đà tăng của lạm phát.

"Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể gây tác động tiêu cực lên vàng. Tuy nhiên, vàng đang duy trì được đà tăng khá vững chắc. Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là quy mô bảng cân đối kế toán của Fed vẫn đang ở mức cao", Xiao Fu, Giám đốc Chiến lược hàng hóa tại Bank of China International nhận định.

Trong khi đó, dự báo về giá vàng ngắn hạn, nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cho rằng, giá vàng giao ngay vẫn ở mức trung lập trong khoảng từ 1.815 USD/ounce đến 1.830 USD/ounce. Đồng quan điểm, ông Howie Lee, chuyên gia kinh tế của OCBC Bank cho biết: “Vàng đã bị hạn chế trong sự củng cố và đi ngang, vì thị trường vẫn chưa quyết được hướng đi tiếp theo. Trong khi đó, trong tuần, dự báo đa số cho rằng vàng tăng giá, với tỷ lệ theo khảo sát trên Kitco là 58%.

Theo chuyên gia phân tích của UBS, dù rủi ro lạm phát giúp giữ chân các nhà đầu tư, việc lãi suất thực của Mỹ tăng và đồng USD mạnh sẽ làm suy yếu các yếu tố hỗ trợ trong những ngày tới.

Tuy nhiên hiện nay là thời điểm nhiều rủi ro chưa từng có. Dữ liệu ở nhiều nước cho thấy lạm phát gia tăng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý. Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu hết suy yếu. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đang hướng về mức mở cửa thấp hơn, do lo ngại rủi ro lớn sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài ba ngày. Giá dầu thô đã đẩy lên mức cao nhất trong 7 năm chỉ trong một đêm. Giá dầu thô Nymex giao sau và giao dịch quanh 85,25 USD/thùng.

Ủng hộ chiều tăng giá của vàng còn có bất ổn địa chính trị ở một số khu vực, trong đó có bạo loạn tại Kazakhstan. Triều Tiên cũng đang gây nhiễu địa chính trị bằng các vụ phóng thử tên lửa. Vàng cũng được tiếp sức sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau gần 2 năm khi thị trường bất động sản lao dốc và các đợt bùng phát dịch Covid-19 lặp đi lặp lại làm giảm triển vọng tăng trưởng của nước này.

Giá vàng năm 2022 sẽ thế nào?

Biến động giá vàng trong năm 2022 được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế lớn. Giá vàng thế giới được dự báo có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong trường hợp lạm phát của Mỹ tiếp tục đi lên từ mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ như hiện tại; hoặc giảm xuống 1.400 USD/ounce nếu lãi suất USD tăng cao.

Nếu Fed không thể kiểm soát được lạm phát nhiều dự báo cho rằng, giá vàng có cơ hội tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư tài chính không mấy kỳ vọng USD tăng giá. MKS Pamp Group cho rằng, để giá vàng đẩy lên 2.000 USD/ounce, cần có các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung, giá năng lượng cao dẫn đến lạm phát kéo dài trong thời gian tới.