Giá vàng hôm nay 18/3: Vàng trở lại đường đua, Fed thực ra 'diều hâu hay bồ câu', lý do quỹ đầu tư mạnh tay mua vào?

Giá vàng hôm nay 18/3 đã tăng trở lại sau những biến động điên đảo của thị trường - vọt lên đỉnh rồi lại nhanh chóng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của vàng đã bị lu mờ bởi hy vọng về tiến triển hạ nhiệt cuộc xung đột Nga-Ukraine, lợi suất tăng cao gia tăng áp lực lên vàng trước đợt Mỹ tăng lãi suất sau 3 năm.
Giá vàng hôm nay 18/3:
Giá vàng hôm nay 18/3 tăng sau khi Fed thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên sau ba năm để kiểm soát lạm phát. (Nguồn: Capitalwatch)

Giá vàng hôm nay 18/3:

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng khoảng 100.000 - 500.000 đồng/lượng tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh kim loại quý trên toàn quốc vào cuối phiên giao dịch hôm qua (17/3), tăng nhiều nhất tại Tập đoàn Phú Quý, khi giá vàng SJC điều chỉnh cuối phiên tăng tới 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên mở cửa buổi sáng.

Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh ít hơn, chốt phiên giá vàng SJC điều chỉnh tăng 410.000 đồng/lượng cho chiều mua vào và 370.000 đồng/lượng cho chiều bán ra. Tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC ghi nhận mức tăng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá đầu phiên sáng nay.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Gòn và Tập đoàn Doji cùng điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra còn chiều mua vào tăng lần lượt là 100.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng.

Như vậy, sau những ngày biến động điên đảo, thị trường vàng trong nước đã "bình tĩnh" hơn, lực mua khá thấp do người nắm giữ vàng kỳ vọng giá cao hơn, trong khi bên mua lại chờ giá vàng miếng SJC giảm về vùng giá 65 triệu đồng/lượng mới xuống tiền. Một số người thì tranh thủ mua vàng nhẫn vì mức giá vàng nhẫn 9999 đang thấp hơn nhiều so với vàng miếng.

Chênh lệch giữa giá mua và bán đang rút ngắn dần và hiện còn khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/lượng, trong khi tuần trước luôn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng do giá vàng trong nước và thế giới đều biến động trong biên độ quá rộng.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 17/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,30 – 68,52 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 67,20 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,50 – 68,75 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,50 – 68,70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,52 – 68,75 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,36 – 56,31 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,65 – 56,15 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất

Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng sau khi Fed thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên sau 3 năm để kiểm soát lạm phát. Ghi nhận của TG&VN vào lúc 4h45 ngày 18/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco hiện là 1.943,4 USD/ounce, cắt đứt mạch giảm liên tiếp trong nhiều ngày, tăng trở lại 15,2 USD so với chốt phiên giao dịch liền trước. Giá vàng giao tháng 4 tăng 1,72% lên 1.942 USD/ounce.

Vàng rất nhạy cảm đối với sự gia tăng của lãi suất Mỹ, nhưng vì quyết định chính sách của Fed trong lần nâng lãi suất đã được thị trường dự đoán từ trước nên kim loại quý không phản ứng quá nhiều khi quyết định cuối cùng được thông báo. Thể hiện tâm lý của nhà đầu tư, dự trữ vàng tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng 0,8% lên 1.070,53 tấn hôm 16/3, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Đầu phiên giao dịch có thời điểm giá vàng xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/3 ở 1.903,59 USD. Tuy nhiên giá đã thoát khỏi mức đáy đầu phiên và không phản ứng nhiều với thông báo bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tài chính và hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, cũng như nâng triển vọng lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng đã tăng khoảng 2,47% từ mức thấp nhất của ngày hôm trước là 1.895 USD. Chỉ số tổng hợp NASDAQ tăng 2,93%, S&P 500 tăng 2,78% và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 2,42% trong hai ngày qua. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy phần lớn các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang tập trung vào tình hình kinh tế hiện tại hơn là những gì có thể xảy ra vào cuối năm nay hoặc năm sau.

Hiện tượng dễ thấy trên thị trường là sau cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày hôm qua, cả hai loại tài sản trú ẩn an toàn và rủi ro đều tăng cao hơn đáng kể. Chứng khoán Mỹ và vàng đã có các đợt phục hồi đáng kể. Đây là điều thú vị trong cách các nhà đầu tư phản ứng với chính sách tích cực của Fed. Thực tế này xác định tâm lý thị trường vì nó liên quan đến những gì các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang tập trung vào.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA cho rằng, chính sách tiền tệ hạn chế, rủi ro lạm phát vẫn còn và diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine vẫn sẽ là những lý do khiến các nhà đầu tư cẩn trọng và mua vàng.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, kế hoạch tăng lãi suất tại mọi cuộc họp của Fed trong năm 2022 không mang lại điềm báo tốt cho thị trường. Giá vàng rất nhạy cảm với đà tăng lãi suất của Mỹ, vì làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất, nên sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Fed diều hâu hay bồ câu?

Đúng như dự đoán của thị trường, Fed đã chính thức nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang lên 0,25 - 0,5%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Mỹ kể từ năm 2018. Theo thông báo của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed, có thể có tới 7 đợt tăng lãi suất trong năm nay, tại cả các cuộc họp chính sách còn lại của thể chế này. Tuyên bố cũng cho biết, căng thẳng Nga-Ukraine có thể làm tăng nguy cơ lạm phát.

Trong tuyên bố chính sách, Fed nêu rõ "Căng thẳng tại Ukraine đang gây ra khó khăn lớn cho kinh tế và xã hội. Các tác động đối với nền kinh tế Mỹ là rất không chắc chắn, nhưng trong ngắn hạn căng thẳng và các sự kiện liên quan có khả năng tạo thêm áp lực tăng lên đối với lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế".

Giá cả tại Mỹ đã tăng vọt trong năm qua, đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu dài hạn của Fed là 2%. Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,9%. Giá đã đi lên từ trong đại dịch, do nhu cầu cao, chuỗi cung ứng gián đoạn và nhiên liệu đắt đỏ hơn. Chủ tịch Fed Powell cho biết, những yếu tố kìm hãm lạm phát, như chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn hay tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên, đã không diễn ra. Vì thế, Fed buộc phải hành động. Nhiệm vụ của họ là giữ giá cả ổn định và giúp nhiều người có việc làm nhất có thể.

Tuy nhiên, quyết định tăng 0,25% vẫn gây tranh cãi, một số chuyên gia cho rằng Fed cần thể hiện quan điểm "diều hâu" hơn, bởi lo ngại với mức tăng lãi suất quá nhẹ nhàng, Mỹ sẽ không trị được lạm phát mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng ngại hơn là vừa suy thoái vừa lạm phát (lạm phát đình trệ). Bởi theo họ, để trị được tỉnh trạng nguy hiểm trên, Fed phải tăng đến 5% chứ không dừng tại 2% cho tất cả các đợt tăng.

Nhưng ở phía quan điểm ủng hộ, người ta cho rằng Fed đã theo chính sách tài chính "bồ câu" uyển chuyển hơn, tăng 0,25% đợt này, nhưng sẽ có những đợt tăng khác, tùy theo tình hình.

Nhưng dù là bồ câu hay diều hầu, quyết định chính sách này được coi là cột mốc đầu tiên trong chiến dịch “chữa lành” nền kinh tế của Fed. Việc tăng lãi suất cũng là bước đi mạnh mẽ nhất cho đến nay của Ngân hàng trung ương Mỹ để đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong 40 năm.

Hiện tại, giới đầu tư hiện tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelenskiy cho biết các cuộc đối thoại đã thực tế hơn, trong khi Nga cho hay những đề xuất được đưa ra đã tiến gần tới một thỏa thuận.