Giá phân bón tăng đột biến đang trở thành vấn đề đau đầu đối với người trồng lúa Philippines, đặc biệt là khi chỉ còn ít ngày nữa là đến tháng 11 – thời điểm họ sẽ bắt đầu gieo trồng vụ mùa khô, theo tờ Business Mirror.
Vì phân bón chiếm hơn 1/2 chi phí sản xuất, nên việc giá phân bón tăng gần đây sẽ khiến người nông dân phải chi thêm tiền cho nguồn vật tư đầu vào thiết yếu này. Điều này sau đó sẽ khiến cho gạo và ngô – 2 trong số những loại thực phẩm chủ lực của Philippines – trở nên đắt đỏ hơn.
Giá phân bón leo thang
Theo dữ liệu từ Cơ quan Phân bón và Thuốc trừ sâu (FPA), thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines, giá phân bón vô cơ thường được sử dụng ở Philippines đã tăng trên diện rộng so với mức của năm trước.
Tính đến ngày 15/10, dữ liệu của FPA cho thấy, phân urê (loại hạt trong) được bán với giá 1.630,95 Peso Philippines (PHP) cho mỗi bao 50 kg, cao hơn 56% so với giá năm ngoái, còn phân urê dạng hạt đục có giá là 1.580,22 PHP cho mỗi bao 50 kg, cao hơn gần 60% so với giá năm ngoái. Loại phân urê nâng cao năng suất có giá đắt nhất ở tỉnh Pangasinan. Tại đây, loại phân này được bán với giá 1,900 PHP cho mỗi bao 50 kg.
Số liệu từ FPA cũng cho thấy, giá phân đạm SA tăng 41% so với cùng kỳ năm trước; giá phân amoni photphat tăng 30%; giá phân kali MOP tăng 20%; và phân DAP tăng 23%.
Giá các loại phân bón dự kiến sẽ tiếp tục tăng do những diễn biến quốc tế gần đây, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc, khiến giá nhiên liệu tăng vọt và tác động đến an ninh lương thực ở một số quốc gia.
“Giá khí đốt tự nhiên và giá than cao đang tác động đến việc sản xuất các mặt hàng khác và gây rủi ro tăng giá cho các dự báo về giá”, John Baffes, chuyên gia kinh tế cao cấp trong Nhóm biên tập “Triển vọng thị trường hàng hóa” của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết hồi đầu tháng này.
“Sản xuất phân bón đã bị hạn chế do giá khí đốt tự nhiên và giá than cao hơn. Thêm vào đó, giá phân bón cao hơn đã đẩy chi phí đầu vào cho các loại cây lương thực chính lên cao”.
Dựa trên dự báo của mình, WB dự kiến giá urê trung bình trong năm nay sẽ tăng thêm 66%, từ mức 229 USD/tấn năm ngoái lên mức 380 USD/tấn.
Philippines, nước nhập khẩu ròng gạo, không phải là quốc gia duy nhất đang vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón.
Thái Lan là khách hàng mua phân bón lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón, khiến giá phân bón toàn cầu tăng cao lên mức kỷ lục mới.
Trung Quốc chiếm khoảng 30% thương mại phân bón toàn cầu và những khách hàng lớn nhất của nước này bao gồm Ấn Độ, Pakistan và các nước ở Đông Nam Á.
Chẳng bao lâu nữa nông dân Thái Lan sẽ bắt đầu vụ lúa mới. Như vậy, họ cũng sẽ phải mua phân bón với giá đắt hơn.
Tìm cách giúp nông dân vượt qua khủng hoảng
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) cũng đang tìm cách giúp nông dân trồng lúa đối phó với tình trạng giá phân bón tăng cao ở nước này, tờ Manila Bulletin đưa tin.
Một trong số các cách có thể được sử dụng là khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp nhập khẩu phân bón trực tiếp.
Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Leocadio Sebastian nói với các phóng viên rằng DA sẽ đưa ra một “cách thức toàn diện” để giải quyết tình trạng chi phí phân bón ngày càng tăng, một gánh nặng bổ sung cho người trồng lúa vốn đang phải đối phó với giá lúa thấp trên thị trường.
Sebastian cho biết, là một phần của chiến lược đang được xây dựng, Chính phủ Philippines đang có kế hoạch khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp và hội nông dân nhập khẩu phân bón trực tiếp để cắt giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, ông cho biết, DA cũng đang xem xét phân phối thêm trợ cấp phân bón cho người trồng lúa, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ "đòi hỏi nguồn vốn đáng kể".
“Chúng tôi cũng đang xem xét khả năng thiết lập giá bán lẻ đề xuất (SRP) đối với phân bón nếu có sự chênh lệch đáng kể giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ phân bón”, Sebastian cho biết.
Chính phủ phải khẩn trương tìm cách giảm chi phí sản xuất lúa gạo để giảm bớt nỗi khổ của nông dân, những người hiện đang phải chịu gánh nặng của việc giá lúa thấp, Rosendo So, Chủ tịch của nhóm vận động hành lang nông nghiệp Samahang Industriya ng Agrikultura (SINAG), cho biết.
“Nông dân đang hy vọng chi phí sản xuất sẽ giảm đáng kể và giá tại chân ruộng sẽ tăng. Giá lúa thu hoạch tươi vẫn nằm trong khoảng 12-13 PHP/kg”, ông So nói.
Minh Đức (Theo Business Mirror, Manila Bulletin)