Giá đất TP.HCM sốt xình xịch, có nơi tăng 300%, lãnh đạo thành phố vẫn "bình chân"

Giá đất TP.HCM được dự báo tiếp đà đi lên bất chấp sốt đất diễn ra liên tục trong nửa thập kỷ qua. Dù giá đất đang lên vù vù nhưng lãnh đạo TP.HCM vừa họp và chốt vẫn giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất.

Giá đất TP.HCM có nơi tăng 300%

Theo các chuyên gia địa ốc, thị trường bất động sản TP.HCM có cơ hội phục hồi, tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong năm nay và cả trong trung hạn, dài hạn. Những động lực mới như thành lập TP.Thủ Đức, một số công trình giao thông sẽ đưa vào sử dụng, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản.

Động lực sẽ tác động tích cực lên thị trường TP.HCM trong năm mới còn có đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020. 

Thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.

Kể từ sau thông tin sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt.

gia-dat-tphcm-16191320241891351572320-1619147678.jpg
Giá đất TP. Thủ Đức bị đẩy giá tăng cao lên chóng mặt. Ảnh: V.D

Đơn cử, trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, (quận 9), vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 40% so với năm 2019).

Một trong những khu vực khác cũng sốt đất không kém đó là huyện Cần Giờ. Trước những dự án lớn được phê duyệt như Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; dự án bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu..., giá đất Cần Giờ thời gian gần đây liên tục được đẩy lên chóng mặt.

Giá đất tại 3 khu vực sầm uất của huyện Cần Giờ là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa có mức tăng 200- 300%.

Điển hình như đất tại nhiều con đường ở Cần Thạnh đã tăng giá khoảng 100-200% như đường Đặng Văn Kiều, đường Tắc Suất, đường Duyên Hải, đường Rừng Sác....so với thời điểm trước đó.

gia-dat-can-gio-1615957770975518068983-1619132090801930021715-1619147732.png
Giá đất tại Cần Giờ tăng chóng mặt vào thời gian gần đây.

Theo tìm hiểu, khu thị trấn Cần Thạnh giá đất đang được chào bán ở mức từ 7 - 22 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Hay như tại xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 3,5 - 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Những khu vực được cho là có vị trí đẹp giá đất ở mức vài chục triệu đồng mỗi m2, thậm chí vị trí mặt tiền đường lớn còn có giá xấp xỉ 100 triệu đồng/m2.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 TP. HCM sẽ chuyển 3 huyện thành quận: Nhà Bè, Hóc Môn và Bình Chánh.

Trước thông tin lên quận đã ngay lập tức tác động đến giá nhà đất ở các địa phương này. Trong 3 huyện được quy hoạch lên quận, giá đất Bình Chánh vượt trội hơn, đắt gấp đôi so với Hóc Môn.

Nếu như cách đây 3 năm, giá đất trung bình ở Bình Chánh chỉ khoảng 28 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40-50 triệu đồng/m2. Còn với những xã như Bình Hưng, gần với trung tâm TP.HCM giá đất ở mức trung bình cũng lên tới 80-90 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, khu Trung Sơn còn tăng vọt lên ngưỡng130- 140 triệu đồng/m2, xã Phong Phú giá đất cũng tăng lên 40 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 30 triệu đồng/m2.

 TP.HCM chốt hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021

Sáng 22/4/2021, tại kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết về cho ý kiến hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn.

Theo đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) như Quyết định số 03/2020 của UBND thành phố theo Tờ trình của UBND thành phố.

Cụ thể, nhóm 01 có hệ số điều chỉnh giá đất là 1,5.

Nhóm 02: Đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê, văn phòng làm việc và cho thuê đối với khu vực 1 là 2,5 lần; khu vực 2 là 2,3 lần; khu vực 3 là 2,1 lần; khu vực 4 là 1,9 lần; khu vực 5 là 1,7 lần.

Đối với đất sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà kho, nhà xưởng, đất xây dựng siêu thị, cửa hàng thương mại - dịch vụ bán hàng bình ổn giá, cửa hàng xăng dầu, đất xây dựng bệnh viện, phòng khám đa khoa, trường học, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp... khu vực 1 là 1,7 lần; khu vực 2 là 1,6 lần; khu vực 3 là 1,55 lần; khu vực 4 và 5 là 1,5 lần.

Nhóm 03: Hệ số điều chỉnh giá đất đối với khu vực 1 là 2,5 lần; khu vực 2 là 2,3 lần; khu vực 3 là 2,1 lần; khu vực 4 là 1,9 lần; khu vực 5 là 1,7 lần giá đất do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định và công bố….

Trong đó, khu vực 01 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận. Khu vực 02 gồm các quận 2, 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực 03 gồm các quận 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức. Khu vực 04 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 05: huyện Cần Giờ.

Như vậy, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 sẽ được giữ nguyên so với năm 2020. Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 trên địa bàn TP. HCM cao nhất là 2,5 lần so bảng giá đất do UBND TP ban hành áp dụng cho giá đất kinh doanh thương mại dịch vụ ở khu vực 1. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần so bảng giá đất.

Đối với hộ gia đình, cá nhân áp dụng hệ số 1,5 lần cho tất cả các khu vực. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 do UBND TP. HCM ban hành, giá đất ở cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2 (giá thị trường ở các tuyến đường này hiện khoảng 800 triệu đồng/m2).

Giá đất ở đô thị của TP. HCM thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...

Theo An Vũ