Giá cà phê hôm nay 28/8: Robusta lên đỉnh 1 tháng, mặt bằng giá mới đang được thiết lập?

Giá cà phê thế giới có phiên tăng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tuần. Hiện giá robusta cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Thị trường tăng giá do lo ngại nguồn cung cà phê, mà trong đó vấn đề đáng lo ngại nhất là nguồn cung từ các nhà sản xuất tại Đông Nam Á, hơn là tình hình thời tiết tại Brazil.
Giá cà phê hôm nay 28/8:
Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua (27/8). (Nguồn: Cadillaccoffee)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 28/8

Giá cà phê hai sàn tiếp nối đà tăng với khối lượng giao dịch thấp cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài thị trường. Theo các nhà quan sát, dường như các thị trường cà phê kỳ hạn muốn thiết lập mặt bằng giá mới, chi ít cũng để bù đắp cho giá cước vận tải biển hiện đã cao ngất ngưởng.

Ghi nhận trước giờ đóng cửa phiên giao dịch tuần này, giá cà phê trên cả hai sàn tràn ngập màu xanh, các mức tăng rất mạnh, đặc biệt là robusta. Ghi nhận của TG&VN lúc 5h00 ngày 28/8 (giờ Việt Nam), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tăng 24 USD (1,2%), giao dịch tại 2.018 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 26 USD (1,33%), lên 1.983 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng thấp.

Cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tiếp tục tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 4,2 Cent (2,23%), giao dịch tại 192,2 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 4,1 Cent (2,15%), lên 194,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng tốt.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước đi ngang tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua (27/8).

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Bảo Lộc ROBUST

38.600 (VNĐ/Kg)

— Di Linh ROBUSTA

38.500

— Lâm Hà ROBUSTA

38.600

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

39.700

— Ea H'leo ROBUSTA

39.500

— Buôn Hồ ROBUSTA

39.500

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

39.400

— Ia Grai ROBUSTA

39.400

— Chư Prông ROBUSTA

39.300

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

39.300

— Gia Nghĩa ROBUSTA

39.400

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

39.300

HỒ CHÍ MINH

— R1

40.700

Đồng Real giảm, tỷ giá với USD xuống ở mức 1 USD = 5,2560 Real với suy đoán Fed sẽ sớm cắt giảm kích thích kinh tế, trong khi nhà đầu tư trong nước lo ngại lạm phát gia tăng sẽ nảy sinh rủi ro mới và những bất ổn trên chính trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Trong phiên giao dịch vừa qua, chứng khoán Mỹ và hầu hết thị trường hàng hóa phái sinh đều giảm, trừ cà phê. Tất cả đang chờ đợi thông tin từ hội nghị các thống đốc ngân hàng Mỹ tại Jackson Hole của Fed.

Thời tiết khô hạn tại Brazil vẫn là mối quan tâm trong ngắn hạn, nhưng đà tăng trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn dường như nhằm bù đắp giá cước vận tải biển mới là lý do chính…

Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD (tương đương tăng 5-6 lần). Trong khi đó, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng ở thời điểm hiện tại, đã tăng trên 11.000 USD (tương đương tăng 12-13 lần).

Điều này cộng với tình hình dịch Covid-19 ở Đông Nam Á diễn biến phức tạp khiến nguồn cung robusta bị ảnh hưởng mạnh. Chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng lớn đối với cà phê xuất khẩu của nhà xuất khẩu Việt Nam.

Dự báo thời tiết cuối tuần này sẽ có mưa rải rác trên vành đai cà phê Brazil, giúp có phần giảm bớt căng thẳng cho cây trồng nhưng vẫn chưa cải thiện được tình trạng khô hạn hiện tại. Thời tiết của Brazil được dự báo sẽ thuận lợi từ đầu tháng 9, kìm hãm đà tăng giá của mặt hàng cà phê.

Thông tin thêm, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen tiêu dùng cà phê của người Pháp đã có sự thay đổi nhất định. Tỷ lệ người tiêu dùng mang đồ uống từ các quán cà phê về nhà tăng từ 22% lên 34%.

Người Pháp rất ưa chuộng loại cà phê cao cấp, nhiều người dân ở đây có thói quen đến quán từ 3 - 4 lần/tuần. Theo ghi nhận, mức tiêu thụ cà phê bình quân của quốc gia này gần bằng mức trung bình chung của châu Âu là 5,41kg/năm. Trên thị trường cà phê thế giới, Pháp được coi là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là phân khúc cà phê cao cấp.

Dự tính, thị trường cà phê cao cấp có thể tăng từ 2% trong số 300.000 tấn bán ở Pháp mỗi năm lên 10% thị phần vào năm 2025, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

GIA AN