VN-Index tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm

Thị trường chứng khoán tăng điểm trong phiên thứ hai liên tiếp của năm Nhâm Dần 2022 với mức tăng nhẹ và thanh khoản tuy được cải thiện so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, VN-Index tăng 3,33 điểm (+0,22%) lên 1.500,99 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 282, mã tăng (23 mã tăng trần), 52 mã.

HPG (+5,8%) tăng mạnh và có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index với 2,901 điểm. Các cổ phiếu thép khác cũng có diễn biến rất tích cực khi đồng loạt tăng trần như: HSG (+6,9%), NKG (+6,9%), TLH (+6,7%), SMC (+6,9%), POM (+6,8%), TIS (+14,5%)... Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ tích cực bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng như: ACB (+3%), TCB (+1,9%), VPB (+2,8%), STB (+0,7%), MSB (+1,8%), CTG (+0,6%), LPB (+0,2%), SHB (+0,4%)... Ngoài ra, một số cổ phiếu lớn khác thuộc nhóm VN30 (+0,6%) cũng tăng tích cực để củng cố sắc xanh cho thị trường như GVR (+2,5%), MWG (+1,8%), SAB (+1,8%), FPT (+1,2%), VJC (+0,8%)...

Chiều ngược lại, hàng loạt các mã cổ phiếu bất động sản xây dựng giảm mạnh, thậm chí giảm sàn như: CEO (-9,9%), HDC (-7%), CII (-7%), DIG (-6,9%), NBB (-6,9%), DRH (-6,9%), L14 (-10%), HBC (-6,9%)...

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản phiên 8/2 đã được cải thiện nhưng đây vẫn là mức thấp hơn trung bình của 20 phiên cho thấy là một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Kết hợp với thân nến nhỏ trong hai phiên liên tiếp và thanh khoản thấp thì khả năng bứt phá của thị trường trong phiên tiếp theo không được đánh giá cao. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2022 hiện đang giao dịch thấp hơn chỉ số VN30 gần 15 điểm và đây thường là tín hiệu không tốt đối với thị trường trong ngắn hạn.

“Trong phiên giao dịch hôm nay 9/2, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Các nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và đứng ngoài quan sát”, chuyên gia của SHS cho hay.

Thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 8/2 VN-Index xuất hiện cây nến ‘Spinning top’ thứ 2 tại vùng kháng cự 1.505 – 1.510 điểm, và ‘Gap up’ tại vùng 1.485 – 1.490 điểm vẫn chưa được lấp là các tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy thị trường đang khó khăn trong việc thiết lập đà tăng và rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Điểm tích cực là thanh khoản cải thiện và giá đóng cửa vẫn nằm trên đường trung bình động 20 ngày (MA20 ngày).

“Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép được xem là tín hiệu khá tích cực cho thị trường, trong bối cảnh dòng tiền suy yếu tại nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Trong phiên giao dịch hôm nay 9/2, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.495 – 1.500 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.505 – 1.510 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

Các chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.512 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 9/2. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 35-40% danh mục”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.

Diệp Diệp/VOV.VN