Năm 2022 được các chuyên gia dự báo chứng khoán có thể sẽ không phát triển mạnh như năm 2021 vì có nhiều áp lực từ kiềm chế lạm phát, song nhìn chung vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.
Dù ảnh hưởng đại dịch nhưng năm 2021, thị trường chứng khoán vẫn thu hút dòng tiền với mức cao kỷ lục, có phiên đến hơn 50.000 tỉ đồng. Tuy vậy, năm nay, có thể dòng tiền sẽ bị phân tán, "hạ nhiệt".
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Quang Minh cho rằng chứng khoán năm 2022 có thể không được như năm 2021 nhưng sẽ tiếp tục là kênh đầu tư tiềm năng. Dự kiến năm 2022, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) sẽ tăng 29%. Hiện P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của cổ phiếu) khoảng 17 lần song vẫn hấp dẫn. Thực tế cho thấy P/E ở các nước như Mỹ, Thái Lan dù rất cao, hơn 20 lần, nhưng vẫn hấp dẫn.
Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản vẫn được cho là sẽ hưởng lợi trong năm 2022
"Lợi suất trái phiếu ước tính chỉ 2%năm, còn cổ phiếu đến 6%/năm. Thị trường trái phiếu và cổ phiếu là bình thông nhau nên nếu không điều chỉnh gì thì cổ phiếu vẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn. Năm 2022, có thể Chính phủ sẽ có sự thay đổi nhằm chống lạm phát nhưng vẫn còn tiềm năng cho thị trường này" - TS Minh nhận định.
Nói về nhóm ngành thu hút dòng tiền, TS Minh cho biết hiện tại, trong 40 công ty niêm yết có vốn hóa tỉ đô thì chủ yếu là các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…; còn ngành sản xuất thì khiêm tốn, chỉ vài doanh nghiệp như VNM, FPT...
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), dự báo 2022 sẽ là năm của nhiều sự biến động với lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn, dịch bệnh chưa rõ liệu đã chấm dứt chưa. Tuy vậy, cũng còn đó những yếu tố để hy vọng, khi gói kích cầu của Việt Nam, sự hồi phục từ nhu cầu sau dịch bệnh, hệ thống giao dịch chứng khoán mới vận hành, mức độ bao phủ vắc-xin tốt... Với những kỳ vọng ấy, dựa trên nền tảng của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Theo ông Tuấn, Chính phủ đã triển khai gói kích thích phục hồi kinh tế năm 2022, trong đó triển khai nhiều dự án hạ tầng và xây dựng công trình lớn nên nhóm cổ phiếu ngành này sẽ hưởng lợi. Việc chuyển dòng tiền đến các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt sẽ còn tiếp tục và có thể trở thành xu hướng chủ đạo trong chu kỳ đầu tư mới. Nhà đầu tư cần hướng đến đầu tư trung - dài hạn, quan tâm nhóm cổ phiếu hưởng lợi phục hồi do kinh tế mở cửa lại như ngành hàng không, bán lẻ, ngân hàng, khu công nghiệp (KCN).
Đồng tình ý kiến này, một chuyên gia tài chính khác cho rằng các ngành được coi là tiềm năng trong năm 2022 là: dầu khí, bất động sản KCN, xây dựng. Theo đó, nhu cầu sản xuất gia tăng nên việc sử dụng nguyên vật liệu dầu khí sẽ tăng. Bất động sản KCN sẽ thu hút vì nhu cầu thuê đất, sử dụng kho bãi ở các KCN tăng. Khả năng cung không đủ cầu vì không phải KCN lúc nào cũng có mà phải theo quy hoạch, kế hoạch dài hạn. Một số KCN ở miền Bắc đã tăng giá thuê 20%, còn ở phía Nam tăng 7%.
Khi hạ tầng, xây dựng đầu tư công phát triển tới đâu, bất động sản sẽ theo đến đó. Các doanh nghiệp bất động sản lớn đang mạnh dạn đầu tư, triển khai các dự án ở các tỉnh, như Novaland, Nam Long, Xây dựng Hưng Thịnh, Hòa Phát, Long Điền…
Ngoài ra, cao su cũng thuộc ngành "cháy hàng" bởi cây cao su Việt Nam ngày càng già mà đất trồng thì bị chuyển đổi nhiều nên thiếu hụt nguồn mủ, từ đó giá sẽ tăng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, ngành dược phẩm, bệnh viện năm 2022 sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt khi nhu cầu thuốc và hoạt động khám chữa bệnh dần tăng mạnh trở lại.
Ngoài việc lựa nhóm ngành, một chuyên gia tài chính chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu có tài chính tốt; thanh khoản tốt; thông tin tốt và quan trọng là thời điểm tốt...
Bài, ảnh: Sơn Nhung