Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải loạt bài về những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong thực hiện mục tiêu nói trên.

Bài 1: Quyết tâm cao và tinh thần cầu thị của Chính phủ

Cách đây vài ngày, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trị giá gần 400 triệu USD của Jinko Solar Hong Kong - một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn trên thế giới. Đây là dự án thứ 2 của Tập đoàn Jinko Solar tại Quảng Ninh và tổng vốn đầu tư vào 2 dự án lên tới gần 20.000 tỷ đồng.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy của Samsung, tỉnh Thái Nguyên, ngày 3/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất, Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận nhiều dự án lớn. Có thể kể tới dự án LG Display Hải Phòng (của Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn 1,4 tỷ USD ngày 30/8; dự án nhà máy sản xuất giấy tại Vĩnh Phúc (của Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD (ngày 23/7); dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan – Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (ngày 13/5).

Thực tế này khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cho dù đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Vào 14h ngày 27/9 tới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tổ chức Toạ đàm với chủ đề “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng”. 

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước nhằm nhận diện những tác động của đại dịch, giải pháp ứng phó, kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất trong thời gian tới. Theo đó, khoảng 97% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng.

Một số khó khăn vướng mắc chủ yếu là chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; việc nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động. Cùng với đó là những khó khăn liên quan tới thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, chi phí vận chuyển, lưu kho hàng hóa và các chi phí khác tăng cao; giảm sản lượng, giảm đơn hàng xuất khẩu, giảm doanh thu, các khó khăn về dòng tiền/vốn, thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất…

Giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề lớn cho doanh nghiệp

Thực tế, đây cũng là những khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và cũng là tình hình chung tại nhiều quốc gia khác. Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp cho những vấn đề lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, được các doanh nghiệp hết sức quan tâm: Kiểm soát được dịch bệnh; xử lý các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; lộ trình mở cửa trở lại, nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Về kiểm soát dịch bệnh, với các giải pháp quyết liệt và hiệu quả, tình hình dịch bệnh tại những điểm nóng phức tạp nhất như 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đang chuyển biến tích cực.  Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Số ca tử vong trong 7 ngày qua giảm 15,8 % so với tuần trước đó; riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%.  Phù hợp với diễn biến tích cực trong công tác chống dịch bệnh, doanh nghiệp tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bình Dương… đã từng bước được mở cửa trở lại. Tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện tích cực hơn nữa trong các tuần tiếp theo.

Về nhóm giải pháp thứ hai, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Phần lớn các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được giải quyết theo Nghị quyết 105 này và các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương cụ thể hóa để chủ động thực hiện hiệu quả hơn. Mới nhất, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các địa phương cần thành lập ngay Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình Chính phủ đã làm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng... Về cơ bản, các doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hiệu quả của các chính sách hỗ trợ này.

“Vấn đề quan trọng là cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 105 của Chính phủ trong thời gian tới. Với vai trò là cơ quan đầu mối và thưởng trực của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan và hiệp hội doanh để giải quyết các khó khăn vướng mắc, hướng tới ổn định sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới”, Bộ trưởng khẳng định.

Về nhóm giải pháp thứ ba, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI, đang rất trông đợi hướng dẫn này.
 

Các đại biểu lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính  phát biểu tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, ngày 9/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự chia sẻ và quyết tâm của Thủ tướng

Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có các cuộc làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại các cuộc làm việc này, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả và không né tránh, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp.

Chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh rằng thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. Nhắc lại câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Do đại dịch là vấn đề toàn cầu cho nên cần cách tiếp cận toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác phải chống dịch COVID-19. Do đó, muốn có an toàn thì phải có sự cộng tác chung tay, phối hợp của tất cả các bên, gồm chính quyền, doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả trong dịch bệnh, với niềm tin vào các giải pháp của Chính phủ Việt Nam. Đơn cử, Samsung đã vượt qua những khó khăn trong đợt bùng phát dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tại Thái Nguyên, Samsung vẫn vận hành nhà máy bình thường, trong nhà máy không có ca nhiễm nào.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết ở thời điểm dịch bùng phát tại Bắc Ninh và Bắc Giang, ông còn lo lắng hơn thời điểm sau đó, khi dịch bùng phát phức tạp hơn tại phía Nam. Sau khi dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh được kiềm chế, ông hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ông có niềm tin rằng, tình hình thời gian tới sẽ ổn định, dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam.

Nhìn rộng hơn, mặc dù dòng FDI toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Vốn FDI đăng ký tiếp tục tăng

Trong báo cáo được công bố giữa tháng 9,  Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ  năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thủ tướng thăm Công ty TNHH Saigon Stec, tỉnh Bình Dương, ngày 27/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, tăng hơn 1,5 tỷ USD so với 8 tháng. Xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 9 tháng.

Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%). Tuy nhiên, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.

Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định một số nguyên nhân làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần. Ngoài ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống dịch, một nguyên nhân khách quan là dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam. Về chủ quan, đó là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng. Ngoài ra, các biện pháp phòng chống dịch cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy, làm gián đoạn từng phần một số công đoạn.

Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên có một số đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Và việc chuyển dịch đơn hàng cũng là điều bình thường – đại diện Cục Đầu tư nước ngoài thẳng thắn nhận định.

Biến động ngắn hạn không ảnh hưởng tới triển vọng trung hạn

Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cho rằng, lượng đơn hàng FDI tại Việt Nam sụt giảm nhưng điều đó không đồng nghĩa với doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam. Giữa tháng 9, Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam Alain Cany thừa nhận sự dịch chuyển đơn hàng là có nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời đi.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 tổ chức ngày 22/9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho hay, trên thực tế chỉ có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, "chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi đây".

Làn sóng thứ 4 của đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng các doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng trong khi dịch chỉ mới bùng phát vài tháng gần đây. Theo ông Jeffries, "hơi sớm" để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác…, ông Andrew Jeffries nói.

Còn theo Ngân hàng HSBC, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI vào Việt Nam cũng “phục hồi phong độ” với các chính sách nhất quán, các lợi thế về nguồn nhân lực, một loạt hiệp định tự do thương mại và cam kết của Chính phủ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo đánh giá của ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.

Tổng Giám đốc HSBC nhận định, các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây thông qua một loạt hiệp định tự do thương mại. Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài.

Các khách hàng của HSBC được khuyến cáo nên gạt bỏ những khó khăn trước mắt và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai khi vượt qua dịch bệnh. Cơ hội sẽ mở ra, kinh tế sẽ phát triển, Việt Nam sẽ phục hồi và một lần nữa chứng minh khả năng phi thường khi phải đương đầu với một thách thức hay trở ngại, ông Tim Evans chia sẻ.

(Còn nữa)

Nhóm PV