Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm Amcham, EuroCham, KoCham, Acean USABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) vừa đồng ký tên trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Trong thư, các hiệp hội cho rằng “điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Các hiệp hội cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép Covid-19 của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Đồng thời, ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để "sống chung với virus một cách an toàn".
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn chung tay cùng với Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành khắp cả nước, đặc biệt là TP HCM, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái "bình thường mới".
Các doanh nghiệp cần có lộ trình cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. "Khảo sát gần đây của các hiệp hội cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành" - các hiệp hội nêu thực tế và nhận định Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại.
Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi mà các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy.
"Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ" – các hiệp hội nhận định.
Cũng theo các hiệp hội, vắc-xin là yếu tố then chốt và là chìa khoá để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Các hiệp hội cũng thống nhất cần phải có một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi được điều phối giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vắc-xin điện tử.
Song song đó, hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian dịch bệnh, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới" ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.
Thanh Nhân