Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 14/12 đến 16 giờ ngày 15/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.527 ca mắc mới, trong đó có 15.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 319 ca so với ngày trước đó), tại 61 tỉnh, thành phố; có 9.940 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (591 ca), Bình Định (278 ca), Hải Phòng (266 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (462 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (279 ca), Hà Nội (187 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.274 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.459.175 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.798 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.453.729 ca, trong đó có 1.060.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (490.435 ca), Bình Dương (288.279 ca), Đồng Nai (93.375 ca), Tây Ninh (41.468 ca), Long An (39.474 ca).

Trong ngày, 2.992 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.063.428 ca. Hiện có 7.822 bệnh nhân nặng đang điều trị

Ngày 15/12, cả nước ghi nhận 283 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 241 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.616 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc.

18 giờ ngày 14/12 đến 18 giờ ngày 15/12, thành phố ghi nhận thêm 1.357 ca F0, trong đó có 611 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.
18 giờ ngày 14/12 đến 18 giờ ngày 15/12, thành phố ghi nhận thêm 1.357 ca F0, trong đó có 611 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa. (Nguồn: SK&ĐS)

Hà Nội lập đỉnh mới với 1.357 F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 14/12 đến 18 giờ ngày 15/12, thành phố ghi nhận thêm 1.357 ca F0, trong đó có 611 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang ngày càng phức tạp, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 15/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để người dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, số bệnh nhân Covid-19 mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó và con số này được dự báo tiếp tục tăng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở, đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bí thư Thành ủy đề nghị, toàn hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và nhân dân tiếp tục vào cuộc, quyết tâm bảo vệ Thủ đô trước dịch bệnh, đặc biệt, không để vì chủ quan trong những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch làm dịch lây lan rộng trên địa bàn.

Liên quan đến việc cho học sinh trở lại trường học, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, do tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu nên các địa phương chưa tổ chức đi học trở lại đối với học sinh chưa được tiêm vaccine. Hiện thành phố chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ phủ vaccine phòng Covid-19 mũi 2 khá cao.

Đẩy nhanh tiêm vaccine; lập đường dây nóng hỗ trợ chống dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngày 15/12, tỉnh ghi nhận 25 bệnh nhân tử vong do Covid-19. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tại Bình Dương, 2.979 bệnh nhân đã tử vong. Số bệnh nhân tử vong thời gian qua là các trường hợp có bệnh lý nền, người già và người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ngành Y tế tỉnh đang rà soát người dân nào chưa tiêm vaccine để tiêm hoàn tất mũi 2; đồng thời lên kế hoạch thực hiện tiêm mũi 3 tăng cường để phòng ngừa những bệnh nhân trở nặng dẫn đến tử vong.

Đến nay, tỉnh đã tiêm 4.315.421 liều/5.054.180 liều vaccine phòng Covid-19 được phân bổ (2.464.478 liều mũi 1; 1.845.887 liều mũi 2 và 5.056 mũi 3). 256.805 liều vaccine phòng cho Covid-19 đã được tiêm cho trẻ 12-17 tuổi (gồm 171.706 liều mũi 1 và 85.099 liều mũi 2).

Các cơ sở điều trị F0 tại Bà Rịa- Vũng Tàu đang dần quá tải vì số ca tiếp tục tăng cao. (Nguồn: NLD)
Các cơ sở điều trị F0 tại Bà Rịa- Vũng Tàu đang dần quá tải vì số ca tiếp tục tăng cao. (Nguồn: NLĐ)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi quy định được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Việc tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ trước ngày 25/12.

Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 948.296 người trong tổng số 956.596 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đạt 99,13%. Trong đó, có 876.823 người đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 91,66%. Toàn tỉnh còn có 111.481 trong số 118.914 trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine, trong đó có 43.496 trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Từ ngày 15/12, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai số điện thoại chăm sóc F0 tại nhà. Số điện thoại này sẽ hoạt động 24/7.

Người mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà khi cần tư vấn sẽ gọi đến số điện thoại 0254.7300730 để được các bác sĩ, nhân viên y tế trực Tổng đài hướng dẫn điều trị và chăm sóc. Hằng ngày, những người trực Tổng đài sẽ gọi cho các F0 đang được điều trị tại nhà vào khung giờ từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30 để hỗ trợ người bệnh.

Số điện thoại này sẽ được kết nối tới Trung tâm Y tế các địa phương khi có trường hợp F0 đang điều trị tại các địa phương đó gọi đến.

Sở Y tế tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai phân công trực và cung cấp danh sách 3 bác sĩ hoặc nhân viên y tế có kinh nghiệm điều trị về Covid-19 thực hiện nhiệm vụ trực điện thoại và sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người mắc Covid-19 cách chăm sóc và điều trị tại nhà.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Sở Y tế cần theo dõi sát, chuẩn bị kế hoạch đảm bảo việc cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc điều trị Covid-19, tuyệt đối không để thiếu thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại tuyến cơ sở.

Tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ Đồng Tháp tiếp tục tham gia Chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir, dự kiến với 1.000 bệnh nhân tham gia điều trị.

Từ ngày 15/12, người dân Quảng Ninh có thể phản ánh những hoài nghi về giá cả, chất lượng không đảm bảo của bộ kit test nhanh SARS-CoV-2 tới đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh theo số điện thoại: 0966.631.313 hoặc 02033.825.441.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể tra cứu thông tin về các loại kit test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu tại website của Sở Y tế Quảng Ninh: http://www.soytequangninh.gov.vn tại mục “Thông tin vật tư sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19”.

Thời gian vừa qua, Sở Y tế Quảng Ninh đã nhận được một số thông tin phản ánh từ người dân và báo chí liên quan đến việc mua bán, sử dụng kit test xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi không đảm bảo chất lượng và giá cao…