Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 2.007.862 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.001.625 ca, trong đó có 1.715.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.950 ca.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 51 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2) và Long An (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 35.480 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tính đến ngày 7/1, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 166.942.276 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.563.059 liều, tiêm mũi 2 là 72.121.184 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 16.258.033 liều.

Tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 ở Trà Vinh. (Nguồn: TTXVN)
Tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 ở Trà Vinh. (Nguồn: TTXVN)

Đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19

Trong văn bản mới nhất gửi các địa phương về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.

Đến nay, đã có 60 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine liều bổ sung, liều nhắc lại cho người trên 18 tuổi. Tổng số liều đã tiêm là hơn 13,7 triệu.

TP. Hồ Chí Minh phát hiện ca nhiễm Omicron thứ 13

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang điều trị một bệnh nhân là một cụ bà 82 tuổi mắc Covid-19. Kết quả giải trình tự gien cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron.

Bệnh nhân nhập cảnh và có xét nghiệm test nhanh Covid-19 dương tính tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 10/1. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức).

Đây là ca nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron thứ 13 tại TP. Hồ Chí Minh và là ca thứ 51 trên cả nước.

Với 12 ca nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron tại thành phố trước đó đều đã xuất viện. Hầu hết đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngành y tế đã xét nghiệm trên 2.000 người ngồi cùng chuyến bay, có tiếp xúc gần với 12 ca nhiễm này, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính.

Hải Phòng: Số F0 nguy kịch tăng, thêm 3 ca tử vong

Tính từ đến 18h ngày 15/1, toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận thêm 841 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 19.006 ca.

Trong đó có 755 trường hợp phát hiện qua tự đi làm xét nghiệm, 59 trường hợp F1, 9 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của Dương Kinh, An Dương và Thủy Nguyên, 14 trường hợp test nhanh dương tính, còn lại là ca bệnh nghi ngờ.

Cùng ngày, Hải Phòng cũng ghi nhận số ca nguy kịch tăng với 105 ca, trong đó 14 ca phải thở máy xâm lấn, 14 ca thở HFNC, thở mark 71 ca và 3 ca tử vong do Covid-19.

Theo đánh giá cấp độ dịch của thành phố, quận Ngô Quyền đang ở cấp độ 3 – nguy cơ cao. Tuy nhiên, toàn quận có 7/12 phường vẫn nằm ở cấp độ dịch cấp 4 – nguy cơ rất cao gồm: Máy Tơ, Cầu Tre, Đông Khê, Cầu Đất, Đằng Giang, Lạch Tray và Đồng Quốc Bình. 5 phường đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 3 – nguy cơ cao gồm: Máy Chai, Vạn Mỹ, Lạc Viên, Gia Viên và Lê Lợi.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 Cầu Nam Bình, thành phố Ninh Bình. (Nguồn: KHĐS)
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 Cầu Nam Bình, thành phố Ninh Bình. (Nguồn: KHĐS)

Ninh Bình tạm dừng hoạt động chốt kiểm soát ra vào tỉnh

Ngày 15/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 đối với người và phương tiện ra vào tỉnh Ninh Bình.

Cụ thể, căn cứ đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình, tại công văn số 34/UBND-VP4 của UBND tỉnh Ninh Bình ngày 15/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã đồng ý tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm tra liên ngành kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh Ninh Bình kể từ ngày 15/1 đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án sắp xếp tài sản công phục vụ các chốt theo quy định; đồng thời, có phương án sẵn sàng khôi phục chuyển trạng thái hoạt động các thiết bị, cơ sở vật chất khi có tình huống dịch bệnh cấp thiết nảy sinh hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, vừa thực hiện chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội; quyết liệt phòng, chống dịch với phương châm linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở...

Cần Thơ cập nhật đánh giá cấp độ dịch

UBND thành phố Cần Thơ vừa có công văn gửi thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc cập nhật đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố và các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Bắt đầu từ ngày 15/1, toàn thành phố Cần Thơ từ cấp độ 3 (vùng cam) chuyển sang cấp độ 2 (vùng vàng); 5 quận/huyện cấp độ 1 và 4 quận/huyện cấp độ 2. Đối với các xã, phường, thị trấn, có 45 đơn vị cấp độ 1; 38 đơn vị cấp độ 2.

So với ngày 31/12, toàn thành phố có 78 xã, phường giảm cấp độ dịch từ 3 xuống 2 và từ 2 xuống 1, không còn xã, phường nào trên địa bàn thành phố ở cấp độ 3 và 4.

Trên cơ sở điều chỉnh cấp độ dịch, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ, tuyệt đối không để gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc tuân thủ các biện pháp, quy định phòng, chống dịch, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Để nhanh chóng đưa Cần Thơ về “vùng xanh” (cấp độ 1), UBND thành phố cũng yêu cầu ngành y tế, Chủ tịch UBND các quận/huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm trọng điểm cho người có triệu chứng ho, sốt, khó thở... và truy vết các F1 nguy cơ cao, F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 để giảm sát cách ly theo quy định; bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư hỗ trợ công tác quản lý, điều trị, cách ly FO, F1 tại nhà theo quy định.

Đặc biệt, cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

CHU VĂN