Tay An phong toa anh 1

 

Đối với cư dân ở thành phố Tây An, phía tây bắc của Trung Quốc, thời điểm khởi đầu năm 2022 cũng tương tự năm 2020, thậm chí tệ hơn, theo CNN.

Kể từ tháng 12/2021, thành phố cổ kính được mệnh danh là quê hương của đội quân đất nung đã phải vật lộn với đợt bùng dịch lớn nhất trong cộng đồng sau Vũ Hán - “tâm chấn” đầu tiên của đại dịch.

Đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc Covid-19. Mặc dù con số này thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, đợt bùng phát đã đẩy tổng số ca nhiễm của Trung Quốc trong tuần cuối cùng của năm 2021 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

"Mắc kẹt trong chu kỳ phong tỏa dường như vô tận"

13 triệu cư dân Tây An đã được yêu cầu ở nhà trong hơn 10 ngày qua. Thành phố Tây An, nơi từng là một điểm du lịch hấp dẫn, chào đón năm mới với những con đường vắng vẻ, các cửa hàng đóng kín, những khu dân cư bị phong tỏa và một sân bay trống rỗng.

Đây cũng là đợt phong tỏa nghiêm ngặt và lớn nhất sau Vũ Hán. Bên cạnh đó, đợt phong tỏa này cũng hỗn loạn nhất, khiến người dân thiếu lương thực và nhiều nhu yếu phẩm khác, đồng thời ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tay An phong toa anh 2

Nhân viên đang chuẩn bị các túi thực phẩm để giao đến người dân của thành phố Tây An. Ảnh: Reuters.

Việc này đã dẫn đến sự tức giận và thất vọng đối với chính quyền địa phương, từ đó đặt thêm thách thức cho chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc. Chính sách này bao gồm việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nhanh để ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát nào.

Trong gần hai năm, các biện pháp nghiêm ngặt này đã bảo vệ Trung Quốc khỏi những ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch và nhận được sự ủng hộ đông đảo của dân chúng.

Song khi đợt bùng phát tại địa phương tiếp tục xảy ra, làn sóng phản đối kịch liệt ở Tây An đặt ra câu hỏi liệu Zero Covid-19 có thể duy trì được bao lâu trước khi sự ủng hộ của công chúng bắt đầu giảm dần, với hàng triệu cư dân bị mắc kẹt trong một chu kỳ phong tỏa dường như vô tận.

Trong tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập lời kêu cứu và chỉ trích về sự kém cỏi của chính quyền Tây An. Trong một buổi phát trực tiếp về tình hình dịch Covid-19 của chính quyền địa phương, cư dân đã tràn vào yêu cầu hàng tạp hóa, khiến các quan chức phải vô hiệu hóa tất cả bình luận.

Nhiều người tỏ ra thất vọng vì đã không tích trữ lương thực từ trước, do chính quyền địa phương đã nhiều lần trấn an về nguồn cung lương thực dồi dào và không cần phải mua vội.

Trong những ngày phong tỏa đầu tiên, mỗi hộ gia đình được phép cử một người ra ngoài mua hàng tạp hóa với tần suất hai ngày/lần. Tuy nhiên, khi số ca mắc tiếp tục gia tăng, Tây An đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa, yêu cầu tất cả người dân phải ở nhà, trừ khi được phép ra ngoài để xét nghiệm hàng loạt.

"Trước đây, tôi nghĩ những người mua hàng hoảng loạn đó là ngu ngốc. Bây giờ, tôi nhận ra rằng mình mới ngu ngốc”, một bình luận trên Weibo cho biết.

Đối mặt với sự phản đối kịch liệt của dân chúng, các quan chức địa phương cam kết vận chuyển hàng tạp hóa một cách ổn định đến nhà dân, với nhiều bức ảnh giao thực phẩm đến nhà dân được đăng tải trên phương tiện truyền thông nhà nước. Trong khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã giảm bớt ở một số khu vực lân cận, những cư dân khác đã phàn nàn rằng họ không nhận được hàng.

Đối với một số người, cái giá của việc phong tỏa là quá cao. Tuần trước, truyền thông nhà nước đưa tin về hai vụ việc về các cá nhân đã cố gắng trốn thoát khỏi Tây An ngay trước khi các lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.

Một người đàn ông đã đi bộ 100 km qua dãy núi Tần Lĩnh từ sân bay Tây An, tránh nhiều trạm kiểm soát dịch trên đường đi trước khi bị phát hiện và đưa vào diện cách ly trong ngày 24/12/2021, theo một tuyên bố của cảnh sát địa phương.

Trong vụ việc khác, một người đàn ông đã đạp xe suốt 10 tiếng trong giá lạnh để trở về quê hương, sau khi biết Tây An sẽ bị phong tỏa vào ngày hôm sau. Người này bị phạt tiền và phải cách ly.

Giới chức quyết tâm bám trụ Zero Covid-19

Bất chấp những khó khăn, giới chức Tây An đã nhiều lần cam kết quyết tâm kiềm chế dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Hôm 4/1, chính quyền địa phương cho biết việc phong tỏa thành phố Tây An sẽ chỉ được dỡ bỏ khi “không có sự lây lan trong cộng đồng” đối với các ca mắc Covid-19, theo South China Morning Post.

Tại một cuộc họp báo hôm 2/1, Liu Guozhong, một quan chức tỉnh Thiểm Tây, đã tuyên bố “cần phải đạt mục tiêu đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về 0 càng sớm càng tốt”.

Tay An phong toa anh 3

Trước sự bất bình của dân chúng, giới chức Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách Zero Covid-19. Ảnh: Reuters.

Để thể hiện sự kiên quyết với cách chống dịch triệt để, bí thư quận Yanta, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch, đã bị cách chức.

Các biện pháp phong tỏa chặt chẽ dường như đang phát huy tác dụng. Vào ngày 2/1, số ca nhiễm hàng ngày của Tây An lần đầu tiên giảm sau hơn một tuần, xuống còn 122 trường hợp. Vào hôm sau, số ca mắc mới chỉ còn 90.

Nếu xu hướng này tiếp tục, có thể sẽ chỉ còn vài tuần nữa là Tây An ngăn chặn thành công đợt bùng phát như các thành phố khác đã làm được trong quá khứ. Nhưng đây sẽ không phải là lần cuối cùng mà virus corona và các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn nó gây ra sự gián đoạn đáng kể cho cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế địa phương.

Hiện tại, Trung Quốc dường như vẫn kiên quyết đạt được chiến lược Zero Covid-19, ngay cả khi họ đẩy sự kiên nhẫn của công chúng đến giới hạn.

VÂN ĐINH