vi-sao-co-phieu-nganh-phan-bon-dang-hut-dong-tien

Ảnh Internet

Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh kèm theo nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế đã tạo nên “cơn sốt” giá phân bón trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Giá tăng cùng sản lượng tiêu thụ được cải thiện giúp doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón đều tăng trưởng khả quan trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, trong quý III/2021, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu giảm 10%, song giá vốn giảm mạnh đến 30%, giúp lãi gộp tăng 127% so với quý III/2020. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 272% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, DCM đạt doanh thu 6.048 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 819 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Screenshot (1283)

Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp ngành phân bón. Đvt: Tỷ đồng.

Giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh trong quý III/2021 cũng giúp Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí - CTCP (DPM) thu về 2.824 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 618 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 239% (gấp 3,4 lần) so cùng kỳ.

Tính chung giai đoạn 9 tháng đầu năm, DPM đạt 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.473 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 32% và 150% (gấp 2,5 lần) so cùng kỳ, qua đó hoàn thành 411% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.

Tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV), tính riêng quý III/2021, doanh thu thuần của công ty này đạt gần 788 tỷ đồng, tăng 55,5% so với quý 3 năm ngoái, chủ yếu do tăng giá bán sản phẩm. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, DDV báo lãi 68,5 tỷ đồng. Đây là quý báo lãi lớn nhất của công ty này trong vòng 3 năm trở lại đây (kể từ sau quý II/2018).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần DDV đạt gần 2.199 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm. Nhờ doanh thu tài chính tăng cao và chi phí tài chính giảm mạnh, nên lợi nhuận sau thuế thu về đạt 233 tỷ đồng, hoàn thành 233% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cùng nhóm cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm, như CTCP Phân bón miền Nam (SFG) đạt lợi nhuận sau thuế 358 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái; CTCP Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đạt lợi nhuận sau thuế 206 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm là 58 tỷ đồng; hay như Đạm Hà Bắc (DHB) đã giảm lỗ tới hơn 780 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Screenshot (1286)

Song song với tình hình kinh doanh tích cực, nhiều cổ phiếu phân bón cũng bứt phá mạnh trong 3 tháng qua bất chấp các phiên điều chỉnh của thị trường sau đà tăng nóng, điển hình như DPM tăng 106% lên mức giá 49.000 đồng/CP (phiên 29/10), DCM tăng 61% lên 33.300 đồng/CP hay DHB tăng trưởng đến 90% giá trị. 

Triển vọng đầu tư

Theo Agriseco Research, cuối năm 2021 và sang đến năm 2022, giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao bởi các nguyên nhân như giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao; chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước; nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch COVID-19 để đảm bảo an ninh lương thực.

Do đó, cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón Việt Nam sẽ tới từ nhu cầu tăng cao khi phục hồi sản xuất nông nghiệp và đặc biệt khi bước vào vụ lúa Đông Xuân. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc được hoàn thuế GTGT đầu vào sẽ giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân Urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn. 

Ngoài ra, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước cũng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.

Agriseco Research cũng lưu ý rằng, mặc dù một số cổ phiếu nhóm này đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh những tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng.