Cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền
Sức hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thấy ngay trong phiên giao dịch ngày 8/12. Trong khi không ít nhóm cổ phiếu "đỏ lửa" thì nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì sắc xanh. Trong đó, mã TPB đã có một phiên kịch trần tăng 6,9% và lập đỉnh ở mức 51.100 đồng, đây cũng là mã cổ phiếu ít bị điều chỉnh nhất và duy trì xu hướng tăng rõ rệt. Các mã ngân hàng khác cũng có lượng tăng đáng kể như PGB(8,43%), EIB (4,3%), KLB (2,56%)…
Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 7/12, có 26/27 mã cổ phiếu của nhóm ngân hàng đã tăng trở lại. Mã BID và STB có mức tăng mạnh nhất là 3,9%, tiếp sau đó là PGB tăng 3,6%, LPB tăng 3,2%, OCB tăng 3,1%... Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, nhóm cổ phiếu ngân hàng cung thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, trong 2 ngày 17-18/12, gần 1,5 triệu cổ phiếu STB đã được khối ngoại thu mua.
Đà tăng và sức hút của các cổ phiếu ngân hàng đã được dự đoán trước. Theo nhận định của Công ty chứng khoán MBKE, ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao với ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở mức 18-25% trong năm 2022. Do đó, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng dự báo sẽ hồi phục từ quý I/2022 khi thị trường dần nhận ra rằng các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ; rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó.
Cùng chung nhận định này, báo cáo Chiến lược tháng 12 của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, các mảng hoạt động chính của ngành ngân hàng trong quý IV sẽ tiếp tục có sự hồi phục tốt so với mức thấp của quý III/2021 do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong đó, đơn vị này đưa ra khuyến nghị đối với ba mã cổ phiếu ngân hàng bao gồm HDB, OCB và VPB vì tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ vẫn tương đối tốt, biên lãi ròng (NIM) được dự báo hồi phục…
Tiếp tục duy trì sức hấp dẫn
Dưới góc độ nhà đầu tư, chị Ngọc Anh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, những thông tin lo ngại nợ xấu vì dịch COVID-19 là một trong những tác động lớn nhất ảnh hướng đến tâm lý của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, vì lợi ích của khách hàng và các nhà đầu tư, nhiều ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro, gia tăng độ bao phủ nợ xấu… khiến tâm lý các nhà đầu tư yên tâm hơn. Hơn nữa, giá cổ phiếu ngân hàng cũng đang ở mức rẻ nên vẫn là một trong những mã đầu tư hấp dẫn.
Không chỉ riêng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều chuyên gia đánh giá, ngân hàng vẫn là một trong ba nhóm cổ phiếu hấp dẫn. Bởi, kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng nhóm mã ngân hàng đang được định giá thấp so với thị trường. Hiện P/E, P/B bình quân của thị trường lần lượt là 17,51 lần, 2,67 lần thì P/E của mã ngân hàng trung bình chỉ 13 lần và P/B là 2,1 lần. Trong khi đó, hoạt động của ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ, kết quả kinh doanh giữa các quý, năm không quá chênh lệch so với các ngành khác và đang duy trì đà tăng trưởng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2021; loạt thông tin một số ngân hàng được nới thêm gia hạn mức tăng trưởng tín dụng; kết quả nền tảng của ngân hàng không có nhiều thay đổi lớn; các nhà đầu tư gần đây quan tâm nhiều hơn đến "cổ phiếu vua"… đã giúp sóng cổ phiếu ngân hàng trở lại. Dự báo trong cuối năm nay và trong năm tới có thể sẽ còn tăng lên nữa.
Theo thống kê, hiện có 11/13 ngân hàng được nới room tín dụng trong đợt vừa qua, trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 23,4%. Các nhà băng này được nới room tín dụng cao nhờ vào nội lực tốt khi có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Hơn nữa, kết quả kinh doanh quý III/2021 được công bố của không ít ngân hàng vẫn duy trì đà tăng.
Nhìn vào triển vọng trong trung và dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đà tăng và là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới. Cơ hội đó đến từ quá trình chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ giúp gia tăng giá trị thặng dư. Trong khi đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Thời báo ngân hàng