Từ điều tra và cung cấp của Báo điện tử Dân Việt, ngày 4/8/2021, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp cũng Phòng cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An và Công an huyện Yên Thành đã kiểm tra và bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1982, trú xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể hổ. 

Cùng ngày, cơ quan chức năng kiểm tra và bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Thị Định (sinh năm 1971, trú xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có hành vi nuôi nhốt trái phép 33 cá thể hổ.

Tuy nhiên, 9 cá thể hổ đã bị chết trong quá trình giải cứu và vận chuyển.

Chuyển giao 9 cá thể hổ bị chết trong quá trình giải cứu tại Nghệ An về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Ảnh 1.

Các cá thể hổ đông lạnh được đưa lên xe di chuyển từ Nghệ An ra Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Ngày 10/8/2021, trao đổi với PV Dân Việt chiều PGS.TS Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - cho biết: "Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã gửi Công văn để tiếp nhận tạm thời các cá thể hổ đã chết".

Theo đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đề nghị những con hổ đã chết trong đợt thu giữ hổ tại Nghệ An vừa qua có thể lưu trữ làm mẫu vật Quốc gia, mẫu vật cho Nhà nước, việc này đã thực hiện được 14 năm qua.

"Có nghĩa là tất cả tang vật của vụ án, các con động vật hoang dã, thực vật hoang dã, kể cả địa chất, khoáng sản bị bắt như vậy, thì Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đều có quyền được nhận"- Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói.

Tháng 3/2022, 8 cá thể hổ còn sống sau vụ việc đã được chuyển đến chăm sóc tại Vườn thú Hà Nội, hai đối tượng nuôi nhốt hổ trái phép cũng đã được đưa ra xét xử. Theo đó, đối tượng Hiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – "BLHS") và nhận mức án 7 năm tù. Đối tượng Định bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 244 BLHS và nhận mức án 30 tháng tù.

ca-the-1665621745.jpeg
Những cá thể hổ bị chết trong quá trình giải cứu. Ảnh: Dân Việt

Từ đầu năm 2022 đến nay, ghi nhận ít nhất 4 vụ bắt giữ hổ tại nhiều địa phương trên cả nước mà lời khai ban đầu của các đối tượng đều cho thấy các cá thể hổ có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An – càng khẳng định hiện tượng nuôi nhốt hổ trái phép ở Nghệ An vẫn diễn ra.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đánh giá: "Hiện tượng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép diễn ra trong một thời gian dài tại tỉnh Nghệ An không những ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh Nghệ An mà còn khiến quốc tế có những đánh giá thiếu tích cực về nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh với tội phạm về ĐVHD nói chung và hổ nói riêng.

Thật đáng tiếc khi chúng ta mới chỉ dừng lại ở hai vụ bắt giữ đầu tháng 8/2021 và để hoạt động buôn bán hổ đã sôi động trở lại ngay sau đó. ENV hi vọng chính quyền tỉnh Nghệ An và các huyện sẽ giải quyết triệt để vấn đề đã tồn đọng cả thập kỷ này".