Ông Nguyễn Lâm Viên – CEO Công ty Cổ phần Vinamit nhấn mạnh tư duy mới vẫn là cái quan trọng nhất để doanh nghiệp vững tin hơn trên con đường mình đi.
“Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ bản chúng ta đều là các thành phần “yếu thế”, nhưng chúng ta vẫn làm, làm vì tình yêu với sản phẩm, với quê hương, với những gì hàng ngày sống với nó. Đó là nguồn sức mạnh dẫn dắt các bạn trong hành trình khởi nghiệp”, ông nói.
Nhận định rằng nhiều startup đang đi đúng hướng nhưng ông Viên vẫn lưu ý các startup về bằng sáng chế (patent) cùng việc đăng ký sở hữu trí tuệ.
“Các bạn cần phải biết rằng không phải chúng ta có công nghệ tốt, có sản phẩm tốt rồi là xong. Các bạn có nghĩ là một ngày nào đó có người đến nói rằng các bạn đang vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp của họ không? Đó chính là vấn đề đăng ký bằng sáng chế, bằng sở hữu trí tuệ mà tôi muốn nói đến”, CEO Vinamit nhấn mạnh.
TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM cũng cho biết hiện nay, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp trẻ đã gặt hái thành công.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nhiều startup chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng mà quên đi vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng.
Do đó, các doanh nghiệp cần xác định quyền sở hữu để tránh việc tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ, tránh bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.
“Mình khó nhọc để ra được sản phẩm, nhưng vài ngày sau lại có người “cướp mất” công nghệ của mình, đó chính là vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo kinh nghiệm của tôi, Cục Sở hữu Trí tuệ luôn ưu tiên cho Việt Nam, nhưng vấn đề là quá nhiều hồ sơ nên quá trình khá chậm. Tuy nhiên, việc đăng ký không quá khó mà vấn đề là cách viết hồ sơ đăng ký cho đúng chuẩn”, TS. Đàm Sao Mai cho hay.
Bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ Phát triển Thanh niên khẳng định: “Nếu các bạn khởi nghiệp muốn gọi vốn, thì câu hỏi đầu tiên là tại sao tôi phải đổ tiền vào đây? Khi đó mình phải đưa tài sản của mình ra, đó là tài sản vô hình và là sáng tạo của mình. Làm sao để ghi nhận tài sản vô hình trong báo cáo tài chính, vì không biết từ đầu để đăng ký tác quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ”.
Cũng tại hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - cho biết, với kinh nghiệm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp HVNCLC, BSA nhận thấy các bạn thanh niên với kiến thức học được từ giảng đường hay từ thực tiễn đều khởi nghiệp với tinh thần chọn “tài nguyên bản địa”, biến sản vật của quê hương thành các sản phẩm hữu ích, ngon và lành đi khắp nơi.
Đồng thời cũng nhận thấy những “lỗ hổng” trong sản xuất kinh doanh của các bạn, từ đó đã hình thành chương trình hỗ trợ các hạt giống khởi nghiệp phát triển, cung cấp kiến thức quản trị điều hành cho đến hoàn thiện sản phẩm lẫn kinh nghiệm cọ xát trên thương trường qua các hoạt động hội chợ, kết nối.
Theo đó, tại sự kiện, ban tổ chức chương trình cũng chính thức phát động cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 8, sẽ diễn ra vào cuối năm 2022, đến nay đã có 10 năm được triển khai.
Chương trình đã tổ chức hơn 320 lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm với hơn 25.000 lượt thành viên tham dự. Cùng với đó là tổ chức cho 6.550 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 20 kỳ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, hơn 200 phiên Chợ Xanh Tử tế, gần 50 phiên chợ nông sản và phiên chợ khởi nghiệp…