Đối với hầu hết các đơn vị khởi nghiệp (startup), vốn thường là nguồn lực có hạn và doanh nhân phải là người vận dụng tốt nguồn lực hạn chế này để đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh nguồn vốn sẵn có, để hiện thực hóa và mở rộng kế hoạch kinh doanh, các startup đang "khát" vốn luôn tìm cách xoay sở để thu hút các nhà đầu tư quan tâm, rót vốn. Ngoài ý tưởng tốt, định giá dự án chính xác thì cách lên kế hoạch kinh doanh bài bản, sự tự tin cũng là yếu tố quyết định việc rót vốn của nhà đầu tư.
Trên thực tế, dù trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều startup Việt vẫn có thể thu hút nguồn vốn "khủng" từ các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài.
Mới đây, BuyMed (đơn vị điều hành Thuocsi.vn), một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 9 triệu USD trong vòng Series A.
Tính đến nay, BuyMed đã huy động thành công tổng cộng 12,8 triệu USD. Trước đó, trong vòng tiền Series A công bố năm ngoái, startup này nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD.
Một điển hình gọi vốn thành công nữa là Loship - startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng. Loship vừa công bố gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C, nâng giá trị công ty vượt hơn 100 triệu USD, theo DealStreet Asia.
Trước đó, theo thông tin từ Bloomberg, ứng dụng học tiếng Anh ELSA đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu.
Đáng chú ý, đầu năm nay, Ví MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), với sự tham gia của các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu và một số quỹ đầu tư mới. Số tiền cụ thể không được MoMo tiết lộ, tuy nhiên theo thông tin của Bloomberg, con số này có thể lên đến hơn 100 triệu USD.
Theo phân tích của Jenfi - Qũy hỗ trợ vốn tăng trưởng của Singapore, đối với cộng đồng startup, gọi vốn đầu tư luôn là giải pháp ưu tiên bởi vốn là công cụ chủ lực giúp startup phát triển sản phẩm và thực hiện chiến dịch ra mắt chúng.
Những doanh nghiệp đang ổn định cũng rất cần mở rộng thị trường, phát triển doanh thu, tăng trưởng quy mô,… Tất cả các hoạt động trên đều cần vốn. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện vay vốn theo cách truyền thống. Điều kiện vay vốn ngày càng thắt chặt khiến nhiều doanh nghiệp khó xoay xở hơn.
Đối với startup, gọi vốn luôn là vấn đề hết sức gian nan. Là những đơn vị ít tiềm lực tài chính, họ có thể không sở hữu tài sản giá trị, chưa xây dựng được lịch sử tín dụng tốt. Vì những hạn chế trên, nhiều doanh nghiệp vuột mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn cần thiết. Khi đó, kêu gọi vốn tài trợ trở thành giải pháp tài chính hiệu quả.
Các chuyên gia của Quỹ Jenfi cho rằng, để gọi vốn đầu tư thành công, các startup nên tìm nhà đầu tư thực sự phù hợp. Cộng tác với một nhà đầu tư giống như đồng hành cùng một người bạn. Doanh nghiệp cần tỉnh táo chọn được người bạn có chung hoài bão, chí hướng, tôn trọng mối quan hệ hợp tác thay vì chỉ biết rót tiền. Ngoài tài chính, hãy hướng đến những nhà đầu tư có thể hỗ trợ startup về chiến lược. Nhà đầu tư ấy cũng nên ưu tiên cho hiệu quả dài hạn hơn là tăng trưởng đột biến. Startup sẽ có nhiều cơ hội vươn đến thành công hơn khi chọn đúng bạn đồng hành.
Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát để đảm bảo doanh nghiệp sở hữu đủ điều kiện gọi vốn. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo, rà soát doanh nghiệp cũng giúp startup có thêm cơ hội làm nổi bật những lợi điểm khác biệt của bản thân. Những yếu tố cần rà soát bao gồm: pháp lý, hoạt động, tình hình tài chính. Trong đó, startup cần làm nổi bật triển vọng của doanh nghiệp giữa thị trường đầy cạnh tranh này.
Cùng với đó, việc định lượng được giá trị doanh nghiệp để thấy rõ tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Những dữ kiện cần có gồm: Số lượng khách hàng đã mua sản phẩm/dịch vụ; Số lượt mua hàng; Tần suất xuất hiện của thương hiệu trên các kênh truyền thông; Tỷ lệ tăng trưởng... Đây là những dữ liệu mà mọi nhà đầu tư đều muốn nhìn thấy và có quyết định rót tiền vào hay không.
Chia sẻ trên kênh thông tin tài chính Mỹ CNBC, ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành tại Sequoia Capital India cho rằng, dịch Covid-19 khiến các startup phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, làm tổn thương tâm lý kinh doanh và cạn kiệt nguồn vốn.
Theo ông Rajan Anandan, đối với các doanh nhân khởi nghiệp, ưu tiên trước mắt là phải đảm bảo doanh nghiệp có một "đường băng" đủ dài – khoảng thời gian mà họ có trước khi doanh nghiệp hết sạch tiền. Khi có một đường băng đủ dài, hãy tập trung vào việc tái cấu trúc doanh nghiệp, xem xét xoay vòng sang một phân khúc khác, cải tổ cách bán hàng, tìm thấy khách hàng mới... Đồng thời, nhanh chóng đóng các vòng gọi vốn, đừng chờ đợi một bảng điều khoản đầu tư hoàn hảo, đừng "lượn lờ" giữa các nhà đầu tư./.
Trần Ngọc/VOV.VN