Chuyên gia: Kinh tế Mỹ không rơi xuống vực thẳm nhưng suy thoái kéo dài vẫn 'ghé thăm'

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ​​trong quý IV/2022 nhưng điều đó có thể phóng đại "sức khỏe" nền kinh tế của quốc gia này khi thước đo nhu cầu trong nước tăng với tốc độ chậm nhất trong hai năm rưỡi.
Chuyên gia: Kinh tế Mỹ không rơi xuống vực thẳm nhưng suy thoái kéo dài vẫn 'ghé thăm'
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong quý IV/2022. (Nguồn: ABC News)

Người tiêu dùng vẫn đang "rút ví" chi tiêu

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/1 cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,9% trong quý IV/2022. Con số này cao hơn mức dự báo tăng 2,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Dow Jones, nhưng giảm nhẹ so với mức tăng 3,2% trong quý III/2022.

Báo cáo cho biết, tiêu dùng tiếp tục là trụ cột chính cho sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV, trong khi thị trường bất động sản suy yếu và doanh nghiệp cắt giảm đầu tư trang thiết bị.

Đây có thể là quý cuối cùng Mỹ đạt tăng trưởng GDP vững chắc, trước khi chịu ảnh hưởng của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán, một cuộc suy thoái sẽ đến vào nửa cuối năm nay.

Theo nhà kinh tế cấp cao Sal Guatieri tại BMO Capital Markets ở Toronto: “Nền kinh tế Mỹ không rơi xuống vực thẳm, nhưng đang mất dần sức chịu đựng và có nguy cơ suy giảm vào đầu năm nay. Điều đó sẽ khiến Fed chỉ có thể tăng thêm hai lần lãi suất nhỏ nữa trong những tháng tới".

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022 đã xóa bỏ mức giảm 1,1% trong sáu tháng đầu năm.

Năm 2022, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,1%, giảm so với mức 5,9% được ghi nhận vào năm 2021. Cũng trong năm này, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 425 điểm cơ bản, từ mức gần bằng 0 lên mức 4,25-4,5% - cao nhất kể từ cuối năm 2007.

Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ tăng với tốc độ 2,1%, chủ yếu phản ánh sự phục hồi trong chi tiêu hàng hóa. Người tiêu dùng cũng "rút ví" cho các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, tiện ích và chăm sóc cá nhân.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất lâu dài - chủ yếu được mua bằng thẻ tín dụng - đã giảm và một số hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đã cạn kiệt tiền tiết kiệm. Do đó, hàng tồn kho tăng với tốc độ 129,9 tỷ USD so với tốc độ 38,7 tỷ USD trong quý IV/2022; tăng thêm 1,46% cho tăng trưởng GDP.

Ông Erik Norland, chuyên gia kinh tế cấp cao của CME Group nhận thấy: “Hàng tồn kho tăng có thể báo hiệu không tốt cho tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2023 khi các tập đoàn có thể tìm cách giảm lượng hàng tồn kho dư thừa".

Bên cạnh đó, trong quý IV/2022, cổ phiếu trên Phố Wall được giao dịch cao hơn. Bước sang năm nay, giới đầu tư tài chính ở Phố Wall cũng lạc quan rằng, các hoạt động kinh tế vẫn còn đủ mạnh để họ tin suy thoái sẽ khó xảy ra ở Mỹ trong 2023.

Niềm tin này, cùng với một loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát dịu đi, đã giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi từ đầu năm tới nay sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 5,4%.

Ngoài ra, trong quý IV/2022, đồng USD tăng so với rổ tiền tệ. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.

Suy thoái kéo dài sẽ "ghé thăm"?

Bất chấp những dấu hiệu rõ ràng về những rủi ro của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2023, một số nhà kinh tế vẫn lạc quan rằng, nền kinh tế sẽ vượt qua suy thoái hoàn toàn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài, trong đó các lĩnh vực lần lượt suy giảm chứ không phải tất cả suy giảm cùng một lúc.

Các nhà kinh tế này lập luận rằng, chính sách tiền tệ hiện hành động với độ trễ ngắn hơn so với trước đây do những tiến bộ trong công nghệ và tính minh bạch của Fed.

Ông Sung Won Sohn, giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Phần lớn phản ứng đối với lãi suất cao hơn đã có trong nền kinh tế và thị trường tài chính. Fed đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái kéo dài nên đã đến lúc nghĩ về một chiến lược rút lui".

Song song với đó, lạm phát cũng lắng xuống trong quý IV/2022. Và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp - một chỉ báo về tình trạng sa thải nhân công trong nền kinh tế - đang trên đà giảm và duy trì ở vùng gần thấp kỷ lục, bất chấp các cuộc sa thải lớn đã lan rộng khỏi các công ty công nghệ.

Bộ Lao động Mỹ cho hay, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cấp tiểu bang ban đầu đã giảm 6.000 xuống mức 186.000 trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.

Ông Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao tại Brean Capital ở New York khẳng định: “Không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động đang rạn nứt".