Cũng theo các chuyên gia này sự hội tụ đồng thời của nhiều cuộc khủng hoảng sẽ khiến kinh tế thế giới gặp khó khăn, với tăng trưởng GDP toàn cầu ước tính chỉ đạt 1,9% trong năm 2023.

Lạm phát 2023 sẽ dịu đi; Chuyên gia LHQ kêu gọi các nước tránh thắt chặt tiền tệ. Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lạm phát 2023 sẽ dịu đi; Chuyên gia LHQ kêu gọi các nước tránh thắt chặt tiền tệ. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây sẽ là năm mà kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vài thập kỷ gần đây, ngoại trừ đợt khủng hoảng tài chính 2007-2008 và thời kỳ suy thoái đỉnh điểm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2023" tại trụ sở LHQ ngày 25/1, ông Ingo Pitterle – chuyên gia kinh tế cao cấp tại Vụ Kinh tế và Xã hội LHQ (UNDESA) nhận định đầu tư và tiêu dùng cá nhân trong năm 2023 sẽ suy yếu ở hầu hết các quốc gia, do vấn đề thu nhập và lãi suất tăng cao. Một số nước được dự báo sẽ chớm suy thoái nhẹ trước khi lấy lại đà hồi phục vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024.

Báo cáo do UNDESA soạn thảo ghi nhận động lực tăng trưởng suy giảm tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nền kinh tế phát triển khác trong năm 2022. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu theo nhiều cách thức khác nhau. Trong ngắn hạn, triển vọng kinh tế thế giới không thực sự khả quan, thiếu chắc chắn, với GDP toàn cầu được dự báo tăng trưởng 2,7% trong năm 2024.

Theo thống kê của UNDESA, có đến 85% ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt tay thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kể từ cuối năm 2021 để kiềm chế sức ép lạm phát. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2022 lên 9%, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Mức lạm phát này sẽ dịu đi trong năm 2023, nhưng vẫn đứng ở mức cao là 6,5%.

Trong báo cáo, các chuyên gia của UNDESA kêu gọi chính phủ các nước tránh thắt chặt chính sách tiền tệ - một bước đi kìm hãm tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cản trở bước tiến về bình đẳng giới. Chính quyền các nước cần tái phân bổ và tái ưu tiên trong chính sách chi tiêu công, thông qua các bước can thiệp trực tiếp giúp tạo việc làm và phục hồi tăng trưởng.