Chứng khoán đang trải qua giai đoạn thách thức khi chỉ số có nhiều phiên lao dốc liên tuc, mất hàng trăm điểm kể từ đầu tháng 4 đến nay và tài khoản phần lớn nhà đầu tư cũng bốc hơi dữ dội.

“Càng bình quân giá càng giảm, càng đảo hàng càng giảm, sức mua hao hụt, thôi đưa margin về 0 rồi tắt bảng”, chị Lan - nhân viên văn phòng tại TP.HCM - chia sẻ khi tài khoản đang bốc hơi 40% trong chưa đầy 1 tháng.

Nhà đầu tư nói thêm may mắn là chỉ dành một phần cho cổ phiếu đầu cơ và sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ rất thấp nên từng có ý định không mở bảng điện 1 thời gian để tĩnh tâm.

Bởi với gần 10 năm đầu tư chứng khoán, chị Lan hiểu rằng đây chỉ là những biến động trong ngắn hạn và vẫn có niềm tin vào những doanh nghiệp đã đầu tư là doanh nghiệp tốt, cổ phiếu sẽ phục hồi trở lại sau khi diễn biến tiêu cực của thị trường qua đi.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều nhà đầu tư thiệt hại hơn nhiều. Những người mua cổ phiếu đầu cơ có lẽ mất mát lớn nhất khi những họ cổ phiếu như FLC Group, Louis mất đến 60-80% giá trị trong thời gian ngắn và còn rất nhiều đồ thị lao dốc kiểu mô hình "cây thông" như HUT, VRC, HQC, SDA...

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đã kháo nhau gỡ ứng dụng (app) hay tắt bảng điện chứng khoán để "mắt không thấy, tai không nghe thì tim không đau" khi nhìn danh mục rơi không phanh.

Mặc dù thị trường vừa có phiên hồi phục đáng kể 30 điểm, cũng chỉ là "nắng hạn gặp mưa rào". Bởi tính tổng thể, VN-Index vẫn còn mất gần 200 điểm trong chuỗi lao dốc vừa qua, nhà đầu tư hưởng niềm vui ngắn khi bắt đầu khoe tài khoản bớt lỗ.

"Tôi 6 phiên trần nữa mới về bờ", "Nay danh mục 6 mã thì 5 mã tím nhưng phải chục phiên tím nữa mới thấy bờ", "Họ lấy đi của tôi chiếc Camry và trả lại tôi chiếc xe đạp Thống Nhất"...

Nói về tình trạng chán nản đến tắt app của nhà đầu tư trong chuỗi lao dốc gần đây, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng đó chỉ là số ít, do người mua giá quá cao hoặc dùng đòn bẩy quá nhiều.

"Đây chỉ là yếu tố mang tính tâm lý và cường điệu hóa, đa số nhà đầu tư hiện nay có thua lỗ nhưng chưa đến mức buông xuôi, bỏ mặc vì đây kiểu gì cũng là tài sản của họ", vị chuyên gia nhận định.

Ông Phương còn cho rằng với các nhà đầu tư sắc sảo sẽ nhận ra sau các đợt giảm mạnh thì thị trường cũng sẽ hồi phục đi lên, tình trạng hiện tại chỉ là không còn háo hức mua bán như lúc đỉnh cao nhưng cũng chưa đến nổi tắt app quá nhiều.

tat app,  bang dien,  chung khoan anh 1

Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam khuyến nghị càng khó khăn càng phải theo dõi sát diễn biến thị trường.

Với các nhà đầu tư năng động hơn nữa thì sẽ càng quan sát các biến động, chuyển đổi từ các cổ phiếu đang không có hiệu suất tốt để chuyển tiền sang mã có triển vọng hơn, cho dù thị trường đi xuống thì nhà đầu tư vẫn còn nhiều chiến lược giao dịch khác như đảo danh mục...

Giám đốc KIS Việt Nam nhận thấy đợt giảm này của thị trường dù lớn nhưng với các nhà đầu tư lâu năm thì đã trải qua vài lần, các đợt giảm trước đây đều có bàn tay của nhà đầu tư lớn "cướp hàng", do vậy cá nhân nhỏ lẻ càng phải trở nên tỉnh táo.

"Nhà đầu tư hiện tại không nên hành động theo cảm tính như dừng theo dõi bảng điện. Trong lúc càng khó khăn thì càng phải theo dõi diễn biến, tin tức chính thống để nắm bắt thị trường và không bị cuốn theo các chủ đích từ cộng đồng mạng; để từ đó có thêm các giải pháp và chiến lược đối ứng", vị chuyên gia khuyến nghị.

Ông dẫn chứng như khi xem bảng điện có thể phát hiện ra các lực mua lớn đột ngột xuất hiện, thắng thế và giúp cổ phiếu đi lên nhanh chóng.

Theo báo cáo từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới kỷ lục 675.081 tài khoản chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng đạt gần 4,99 triệu đơn vị, tương đương gần cán mốc 5% dân số. Tuy nhiên, thống kê trên thị trường cho thấy có khoảng 90-95% nhà đầu tư thua lỗ trên sàn chứng khoán.