Chủ tịch nước muốn tăng quy mô gói kích thích kinh tế, ngân hàng giảm lãi vay

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như miễn giảm thuế, lãi suất cho vay... Mức chi hỗ trợ của Việt Nam đạt 1,7% GDP, thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Chủ tịch nước muốn tăng quy mô gói kích thích kinh tế, ngân hàng giảm lãi vay - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri là doanh nghiệp - Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến hôm 2-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Doanh nghiệp đóng góp doanh thu, việc làm, thu ngân sách...

Sau khi nghe những chia sẻ, đề xuất của doanh nghiệp về việc được miễn, giảm thuế, lãi vay... Chủ tịch nước cho rằng do tác động của dịch COVID-19, khó khăn của doanh nghiệp còn rất lớn. Nên các cơ quan chức năng phải thấy được điều này để kịp thời tháo gỡ cho doanh ngiệp và người dân.

Tăng cường miễn, giảm thuế

Theo Chủ tịch nước, các bộ ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Thực tế, gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Philippines là 2,7%, Trung Quốc: 4,8%... Chúng ta không thể cao như một số nước nhưng có thể tăng gói này lên.

"Hiện nay chúng ta có kinh tế vi mô ổn định, lạm phát thấp, còn dư địa phát hành nợ. Do đó, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ phát triển. Đây là vấn đề lớn mà Bộ Tài chính phải nghiên cứu sớm báo cáo Chính phủ, cần thiết báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Mặt khác, với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất theo hướng tăng cường miễn, giảm thay vì giãn, hoãn một số loại thuế cho doanh nghiệp để tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Các phương án miễn, giảm thuế phải được tính toán. Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Riêng đối với TP.HCM, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tăng cường phân cấp cho TP.HCM thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khả năng cân đối ngân sách của TP.HCM.

Ví dụ chính sách giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian qua được áp dụng chung cho cả nước thì có thể phân cấp cho TP.HCM tự quyết trong khoảng 30-50% tùy theo khả năng ngân sách và điều kiện của TP.HCM.

Phải giảm lãi vay, không đặt lợi nhuận của ngân hàng lên trên

Về chính sách tiền tệ, Chủ tịch nước yêu cầu ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

Nhắc lại đề xuất của doanh nghiệp về việc ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm nợ, hoãn nợ cho khách hàng, Chủ tịch nước lưu ý phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang tham dự tại cuộc tiếp xúc cử tri này cần tiếp thu để về thảo luận và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, xuất khẩu... Đây là nhóm ngành hàng then chốt cần phải có cơ chế hỗ trợ.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch nước đặt vấn đề với ngành ngân hàng rằng tài sản đã được doanh nghiệp thế chấp vay rồi thì cơ chế nào để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng, có nguồn lực để phát triển? Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên thảo luận để tháo gỡ cho doanh nghiệp và người lao động.

Thêm vắc xin cho TP.HCM

Ngoài hỗ trợ về vốn vay, miễn giảm thuế, để giúp doanh nghiệp nối lại các hoạt động sớm nhất có thể, theo Chủ tịch nước, giải pháp quan trọng là ưu tiên cao nhất vắc xin cho người lao động. Chống dịch hiệu quả phải đi đôi với việc doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, người lao động cần được tiêm 2 mũi vắc xin, cố gắng có thêm vắc xin cho các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có TP.HCM. Đồng thời, Bộ Y tế và Chính phủ nên trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và quản lý dịch chuyển lao động.

Chủ tịch nước cho rằng dòng người ồ ạt di chuyển từ TP.HCM không chỉ đe dọa nguy cơ dịch bùng phát trở lại mà còn có thể khiến đứt gãy chuỗi lao động. Việc kéo lao động trở lại không phải là dễ dàng. Nên TP.HCM phối hợp tốt với các địa phương, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung lao động khi mở cửa lại nền kinh tế.

Muốn hoạt động sản xuất trở lại bình thường, ngay lúc này đây, TP.HCM đảm bảo hỗ trợ để giữ chân người lao động. Đây là vấn đề nóng bỏng, ngay trước mắt.

Cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển của con người và hàng hóa

Để "thích ứng an toàn với COVID-19" ở phạm vi quốc gia và phạm vi thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có những biện pháp cụ thể hóa chiến lược này. Theo đó, cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục sản xuất.

"Mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người tiêm 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn. Không áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi dịch bệnh dần được cải thiện" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, nhiều nước triển khai rất hiệu quả hộ chiếu vắc xin địa phương để phục hồi kinh tế và Việt Nam cần phải tham khảo. Đồng thời, các địa phương phải thống nhất chủ trương đảm bảo lưu thông hàng hóa, không chia cắt, không cát cứ.

L.THANH - N.HIÊN

tuổi trẻ