lai-vay-1627089762.jpg

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), có 2 vấn đề trong việc các tổ chức tín dụng (TCTD) thực thi giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng lúc này mà cào bằng, hỗ trợ lãi vay cho các khối sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhưng không thực sự cần “thở oxy” như bất động sản, chứng khoán, thì không phù hợp. Theo đó, cần ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vốn lúc bình thường khó tiếp cận tín dụng, nay còn khó hơn, họ “cuống lắm rồi”, không biết bấu vào đâu để trả lương nhân viên, duy trì sản xuất. Ngoài ra, cần ưu tiên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp sản xuất, cung cấp hàng thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm, dược phẩm y tế… Đây là các nhóm cần được duy trì mới có thể giữ vững hậu phương chống dịch.

Ngoài ra, về lâu dài, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng Nhà nước và ngân hàng vẫn cần tính toán hỗ trợ lãi suất chung cho mọi đối tượng có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi tốt hơn. Đây là chìa khóa quan trọng để kinh tế phục hồi sau dịch.

Thứ hai, trong khó khăn mà ngành ngân hàng vẫn lãi cao. Có rất nhiều ý kiến chuyên môn nói rằng đây là cần thiết để giữ sức khỏe huyết mạch của nền kinh tế, và lãi này chưa gồm trừ đi trích lập dự phòng, chưa gồm xử lý nợ tương lai.

“Cần lưu ý rằng hầu hết các khoản cho vay của ngân hàng đều có tài sản đảm bảo, không cho vay trên 100% giá trị tài sản đảm bảo. Tức nợ vay dù có là nợ xấu thì nó vẫn còn đó, không mất đi. Do đó, ngân hàng chỉ cần thời gian để xử lý, chứ không hoàn toàn bốc hơi tài sản. Tỷ lệ mất khoản nợ 100% rất thấp. Vì vậy, lợi nhuận rất cao trong lúc hầu hết mọi doanh nghiệp đều khó vẫn là bất hợp lí. Ngân hàng có thể giảm lãi để nuôi nợ, đó mới chính là bạn đồng hành”, ông Phạm Ngọc Hưng khẳng định.

Theo Thuận Hoá

Diễn đàn doanh nghiệp