Ông Phạm Nhật Vượng có 7 tỷ USD nhờ VinFast
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận năm Quý Mão 2023 có khá nhiều biến động, với phần lớn thời gian đầu năm tăng giá nhưng sau đó điều chỉnh khá mạnh trước khi tăng trở lại thời gian gần đây.
Dù vậy, vị trí trong bảng xếp hạng top 10 giàu nhất trên sàn chứng khoán không có nhiều thay đổi.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup vẫn giữ vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất, với khối tài sản tính theo cổ phiếu niêm yết trên TTCK tính tới hết phiên 7/2 (28 Tết) đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 3,7 tỷ USD).
Còn theo bảng xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg Billionaire Index tính đến ngày 8/2, Chủ tịch HĐQT Vingroup và hãng xe điện VinFast Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 7,15 tỷ USD. Bloomberg đã đưa ông Vượng trở lại bảng xếp hạng 500 tỷ phú sau khi tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.
Trước đó, trong nhiều tháng, Bloomberg chưa tính toán tài sản của ông Vượng hình thành từ hãng xe điện VinFast (VFS) do cổ phiếu VFS biến động mạnh. Hôm 15/8, VinFast niêm yết hơn 2,3 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq. Cổ phiếu này biến động rất mạnh, từ mức chào sàn khoảng 23 USD/cp lên mức trên 90 USD/cp sau đó giảm mạnh, có lúc về mức 5 USD/cp. Gần đây, cổ phiếu VinFast ổn định quanh mức 5-6 USD/cp.
Ông Vượng hiện sở hữu 45% cổ phần VinFast. Bloomberg cũng loại trừ số cổ phiếu ông kiểm soát VinFast thông qua Vingroup để tránh tính hai lần.
Trong khi đó, theo Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tính tới 8/2/2024 ở mức 4,5 tỷ USD. Tổ chức này có thể vẫn chưa tính tài sản hình thành từ hãng xe điện VinFast.
Trước đó, có khoảng thời gian gần cuối tháng 8/2023, Forbes tính toán ông Vượng có tài sản lên tới 66 tỷ USD. Tỷ phú Vượng khi đó giàu thứ 16 hành tinh và thứ 2 châu Á giữa lúc VinFast có vốn hóa lên tới trên 200 tỷ USD. Tuy nhiên, tổ chức này đã quyết định tính toán lại với việc bỏ qua thị giá cổ phiếu trên sàn trong bối cảnh cổ phiếu VFS biến động mạnh.
Tỷ phú Trần Đình Long có thêm 500 triệu USD, bà Phương Thảo VietJet xếp thứ 2
Trong năm Quý Mão, giới đầu tư ghi nhận sự hồi phục mạnh của cổ phiếu Hòa Phát (HPG). Tài sản của Chủ tịch HPG Trần Đình Long, theo Forbes cũng tăng thêm khoảng 500 triệu USD, lên mức 2,3 tỷ USD tính tới ngày 7/2.
HPG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quý IV/2023. Và lần đầu tiên trong lịch sử, vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát vượt Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo Forbes, Chủ tịch hãng hàng không VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo tính tới 7/2 có tài sản đạt 2,4 tỷ USD, xếp thứ 2 tại Việt Nam. Ông Trần Đình Long ở vị trí số 3. Xếp thứ 4 là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỷ USD) và sau đó là ông Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group ở vị trí tiếp theo với tài sản gần 1 tỷ USD.
Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN) do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch có kết quả kinh doanh năm 2023 khá tích cực, với doanh thu thuần tăng nhẹ 2,7% so với năm trước đó lên gần 78,3 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 1.900 tỷ đồng. Ông Quang là đại gia Việt viết tiếp giấc mơ xây dựng đế chế bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với hệ thống VinMart và giờ là Winmart.
Nếu tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn, các doanh nhân khác lọt top 10 người giàu nhất khác bao gồm: Chủ tịch Sunshine ông Đỗ Anh Tuấn (23,7 nghìn tỷ đồng); vợ ông Trần Đình Long - bà Vũ Thu Hiền (11,3 nghìn tỷ đồng); Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn (11 nghìn tỷ đồng); Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt (8,8 nghìn tỷ đồng) và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (8,1 nghìn tỷ đồng).
Ông Trương Gia Bình trở lại top 10
Một điểm đáng chú ý trong biến động top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán là sự trở lại của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Tài sản của ông Bình tăng thêm hơn 680 tỷ đồng trong năm Quý Mão.
Tài sản của ông Bình tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu “họ FPT” cùng lập đỉnh lịch sử như FPT, FRT, FOX, FPTS. Trong năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu tăng gần 20% lên trên 52,6 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận cũng tăng tương tự lên gần 7,8 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu FPT tăng khoảng 25% trong năm Quý Mão lên đỉnh cao lịch sử 104.900 đồng/cp vào ngày 7/2.
Cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail và FOX của CTCP Viễn thông FPT - FPT Telecom (Upcom) cũng đang giao dịch tại mức đỉnh lần lượt 123.900 đồng/cp và 61.500 đồng/cp.
Mạnh Hà
Theo Vietnamnet