Như vậy, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần liên tiếp, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 9 lần.
Nghịch lý tăng giá
Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 2/8, thức ăn hỗn hợp heo con và heo thịt tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp gia cầm thịt tăng 200 đồng/kg.
Với công ty Guyomar’ch Việt Nam, trong đợt tăng giá lần này, các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà tăng 4.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo tăng 300- 400 đồng/kg tùy loại.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả các thức ăn chăn nuôi; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt tăng 200 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8 cho các nhãn hiệu của công ty tại Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Định, kho Cần Thơ, Đắk Lắk.
Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai; Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz; Công ty De Heus, Công ty US Feed, Công ty TNHH CJ Vina Agri…cũng đồng loạt tăng giá các sản phẩm. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc…tăng dao động từ 250 – 500 đồng/kg.
Giới chăn nuôi càng bất ngờ hơn, khi trong tháng 7, giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới (như ngô, lúa mì, đậu tương) đều giảm so với tháng 6.
Giải thích nghịch lý trên, tại buổi làm việc với Cục Chăn nuôi vào ngày 4/8, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho biết mặc dù giá nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong vận chuyển, nên không thể mua được nguyên liệu. Đợt tăng giá lần này là do vẫn phải sử dụng nguyên liệu mua giá cao từ các tháng trước.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30-35% đã quá sức chịu đựng của người chăn nuôi. Nếu không có những giải pháp điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, sẽ dẫn đến người chăn nuôi ngừng việc tái đàn. Khi dịch Covid -19 được kiểm soát, rất dễ dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, nguy cơ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ thiếu thịt lợn, thịt gà.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cập nhật cho thấy, trong tháng 7, sản lượng thức ăn gia súc đạt 1,076 triệu tấn; tính chung 7 tháng đầu đạt 7,143 triệu tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù sản lượng thức ăn gia súc rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Còn theo Tổng cục Hải quan, cho thấy kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 2,46 tỷ USD, tăng 32,5% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, trong đó nhập khẩu từ Achentina tăng 15,6%, đạt 837,1 triệu USD, chiếm 34% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là thị trường Mỹ tăng rất mạnh 77,6%, đạt 413,8 triệu USD, chiếm 16,8%. Nhập khẩu từ thị trường Brazil tăng 63,9%, đạt trên 266,5 triệu USD, chiếm 10,8%. Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường EU tăng tới 72,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 212,8 triệu USD.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu
Trước đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Mỹ cũng đã có văn bản đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết ngoài đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, để giảm giá thức ăn chăn nuôi, chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp kiểm tra về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận, từ đó có thể đưa ra giải pháp áp giá trần đối với thức ăn chăn. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập đối với lĩnh vưc chế biến thức ăn chăn nuôi. Những doanh nghiệp hạ giá bán thức ăn chăn nuôi thì sẽ được giảm hoặc miễn thuế.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn, nếu khống chế giá bán thức ăn chăn nuôi sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất giảm chất lượng sản phẩm nhằm duy trì lợi nhuận. Lúc đó sẽ càng hại cho người chăn nuôi vì chất lượng thức ăn chăn nuôi đi xuống sẽ khiến vật nuôi chậm lớn, sức khỏe vật nuôi giảm, giá thành lại càng tăng lên.
Trước lo lắng này, ông Trọng khẳng định, khi đưa thức ăn chăn nuôi vào bình ổn sẽ có quy chuẩn chất lượng để các nhà sản xuất thực hiện và hậu kiểm được sản phẩm.
Với người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, cần tăng cường chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi sử dụng nguồn thức ăn trong nước như gia súc ăn cỏ, gia cầm để giảm phụ thuộc vào thức ăn tổng hợp.
Ông Trọng cũng cho biết, trong chiến lược phát triển chăn nuôi, ngành hàng đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa sản lượng thịt heo giảm xuống còn 60%, còn sản lượng gia cầm tăng lên 30% và gia súc ăn cỏ lên khoảng 10%. Như vậy, hai đối tượng là gia súc ăn cỏ và gia cầm có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn trong nước như cỏ, phụ phẩm trồng trọt.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết ngang thành hợp tác xã, chi hội, sản xuất để mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung giang là các cấp đại lý bán thức ăn.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang có chính sách chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.
Theo VnEconomy
NDH