lon-hoi-1627785689.jpg

Thịt lợn tại các chợ hiện được tiểu thương bán với giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, giá lợn hơn hiện chỉ còn khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg. Thậm chí, tại một số nơi như Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đồng Nai, giá lợn hơi có nơi đã xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg.

Giá lợn hiện nay đã giảm khá sâu so với quý 1/2021. Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm cuối tháng 1/2021, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 83.000 – 86.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 81.000 – 84.000 đồng/kg; tại miền Nam khoảng 80.000 – 83.000 đồng/kg. Sang đến cuối tháng 2, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 76.000 – 79.000 đồng/kg, tại miền Trung, Tây Nguyên khoảng 74.000 – 77.000 đồng/kg và miền Nam từ 76.000 – 79.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi rớt thê thảm hiện nay được cho là do thời gian qua, sau đợt dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi tăng cường tái đàn, trong khi ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến việc lưu thông giữa các địa phương gặp khó khăn.

Tuy nhiên, không ít người chăn nuôi cho rằng họ đang bị thương lái viện dẫn lý do vận chuyển khó khăn để ép giá thịt lợn hơi xuống mức thấp nhất có thể. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường hiện nay vẫn ở mức cao.

Đơn cử như cám Đại An Tín do CTCP Sản xuất và Thương mại Đại An Tín tại Hải Dương đang bán với giá 305.000 đồng/bao 25kg. Thậm chí, ở một số khu vực từ Thanh Hóa trở vào, giá cám lên đến 340.000 đồng/kg.

Giá cám cho lợn từ tập ăn đến 15kg trên thị trường hiện nay có loại lên đến 450.000 đồng/kg. Giá cám cho lợn trưởng thành hiện đang được bán phổ biến từ 290.000 – 310.000 đồng/bao 25kg tùy thương hiệu. Có loại đã được đại lý báo tăng giá tới 5 lần chỉ trong vòng 1 năm qua.

Trên thực tế, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải ưu tiên cho các đơn hàng lớn đã ký với doanh nghiệp, nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt dẫn đến việc nhà sản xuất và đại lý mặc sức thổi giá.

Giá cám tăng cao, lợn hơi bị ép giá, người nuôi lợn… lỗ nặng - Ảnh 1.

Vừa thoát khỏi đại dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi đối diện với nỗi lo giá giảm.


Nếu lợn hơi giữ giá khoảng 54.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang hòa vốn, nhưng thị trường hiện nay cho thấy giá cám chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù giá lợn hơi liên tục bị thương lái ép giá nhưng người chăn nuôi vẫn phải chấp nhận bán đi để trả nợ đại lý thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trường Sơn, một hộ chăn nuôi tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa cho biết, gia đình ông vừa xuất chuồng đàn lợn tổng trọng lượng 882kg với giá 54.000 đồng/kg. Chưa tính công nuôi, số tiền thu về từ lứa lợn này là 47,628 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền ông đã chi ra để mua lợn giống trước đó là 19,6 triệu đồng, tiền cám và tiền thuốc hết 24,750 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, số tiền lãi gia đình ông thu về từ lứa lợn này chỉ còn 3.278.000 đồng.

Giá cám tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của người chăn nuôi lợn, nhiều hộ chăn nuôi đã phải ngậm ngùi bán rẻ bởi càng giữ đàn lợn sẽ càng thêm lỗ vì không kham nổi chi phí đầu vào.

Ông Bùi Quang Tiến (huyên Tiền Hải, Thái Bình) đã phải tính đến việc giữ lại đàn lợn 50 con để tự giết mổ hàng ngày đem ra chợ bán với hy vọng kiếm chút lãi dù biết sẽ phải chấp nhận thu hồi vốn chậm.

“Theo tính toán của tôi, nếu giá lợn thịt không có biến động theo chiều hướng đi xuống thì việc tự mổ một con lợn 80kg để bán sẽ lãi thêm khoảng 1 triệu đồng/con thay vì bán xô cho thương lái. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi ở thị trường nông thôn việc bán được 1-2 con lợn/ngày không phải dễ. Hơn nữa, đàn lợn nhà tôi chỉ vài chục con thì còn có thể làm được, nhiều hộ chăn nuôi cả trăm con thì sao có thể áp dụng theo cách này”, ông Tiến cho hay.

Tuy nhiên, theo chị Trịnh Thu Hồng, một người nuôi lợn và bán thịt lợn tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Nói thì có vẻ ngon ăn, nhà tôi hiện tại mổ cả con lợn bán chỉ lãi 700.000 đồng, gặp hôm may mắn thì lãi cao nhất cũng chỉ là 1 triệu đồng/con, nhưng đấy là trong trường hợp bán hết. Có những hôm thịt ế còn phải bán chịu cho người ta, tính ra mổ 1 con lợn mà còn âm từ 500 – 1 triệu đồng do bà con ở nông thôn có thói quen mua chịu đến mùa gặt bán thóc đi mới có tiền trả nợ”.

“Mình mà mổ bán thì dân làng sẽ nghĩ do lợn bệnh nên mới phải mổ bán, rồi lại chất đầy tủ cấp đông. Thôi thì mỗi người mỗi nghề, cố gắng vượt qua khó khăn để hy vọng vào lứa sau vậy”, ông Nguyễn Văn Thắng, một hộ chăn nuôi ở Hòa Bình ngậm ngùi.

Nếu cứ tiếp tục tái diễn tình cảnh này, chỉ người chăn nuôi là thiệt đủ đường, trong khi thương lái và nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lại hưởng lợi. Không ít người chăn nuôi tự bảo nhau rút kinh nghiệm sẽ không nuôi nhiều như hiện nay, chỉ nuôi độ vài chục con và tự giết mổ. Thậm chí, nếu bán ra chợ 120.000 – 13.000 đồng/kg đã có lãi.

Theo ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm là do khâu sơ chế gia súc, gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.

Tại 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" hoặc không đủ nhân lực lao động do phải phong tỏa.

 

Theo Hiền Anh

Infonet