Cho cần câu cho con cá
35 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường sau 4 tháng đầu năm.
GDP cả nước chỉ tăng trưởng 3,8% trong quý I.
Mỹ, EU, Nhật Bản... những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta siết chặt giao dịch.
Chỉ với các thông số cơ bản trên đủ phác thảo về bức tranh kinh tế xám xịt bởi đại dịch Covid - 19.
Điều đáng mừng, so với toàn cầu việc kiểm soát, khắc phục hậu quả Covid-19 ở nước ta có dấu hiệu khả quan hơn rất nhiều.
Chính Phủ ban hành nhiều chính sách, nới lỏng cơ chế, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dần tái phục hồi sản xuất ổn định cuộc sống.
Đến lúc này, dù chưa công bố hết dịch nhưng hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam đang rầm rộ chuyển mình sau “giấc ngủ đông”.
Với tinh thần Chủ động - Đồng lòng - Đột phá vì một mục tiêu chung đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn, tôi tin hành trình này sớm thu về kết quả mỹ mãn.
Sau “đại dịch”, thử phân tích kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà kinh tế, chuyên gia trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thủ Tướng và Doanh nghiệp sáng nay (09/05):
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nêu ý kiến: ““DN là cầu nối giữa ngân hàng, người lao động và khu vực tiêu dùng. Đồng thời, DN tạo ra các hoạt động kinh tế và việc làm. Vì vậy, cứu được DN thì đồng thời một lúc cứu được ngân hàng và cứu được lao động. Hỗ trợ được 1 người lao động tức là hỗ trợ được cả gia đình họ gồm 3 - 4 người khác. Như vậy, hỗ trợ được 100.000 DN tức là hỗ trợ được 300.000 - 400.000 người khác. Cố gắng tiếp cận được 300.000 - 400.000 người rất khó trong khi chỉ cần hỗ trợ thông qua 1 kênh là DN. Tương tự, nếu hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh cá thể tức là chúng ta đã hỗ trợ được khoảng 20 triệu người. Thực tế, đối tượng này phải là đối tượng nên được ưu tiên vực dậy vào lúc này”.
Chính Phủ cần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn (ảnh Báo Thanh Niên)
Ý kiến TS Vũ Thành Tự Anh nêu ra, theo tôi rất chuẩn xác. Ở góc độ nào đó, nó na ná câu chuyện “cho cần câu hay cho con cá”. DN trong trường hợp này đóng vai trò như chiếc cần câu khổng lồ chịu trách nhiệm “kiếm cá” cho hàng ngàn, hàng triệu công nhân. Ngược lại, công nhân cũng không hề “nhận cá” thụ động, họ hiểu vai trò và nổ lực cùng doanh nghiệp chiến đấu.
“Cứu” DN chính là cứu những chiếc “cần câu” đó.
Đồng quan điểm, một “siêu cần câu” khác là ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, từ góc nhìn của chủ đầu tư bất động sản tiếng tăm cho rằng: “Hầu hết người dân tại các TP lớn đều mong muốn sở hữu nhà ở để xây dựng cuộc sống và gắn bó gần như cả cuộc đời của mình. Khi đã sở hữu nhà ở, người dân sẽ có nhu cầu cao hơn đối với việc mua sắm đồ đạc, vật dụng từ đơn giản đến có giá trị, việc này sẽ kích thích tiêu dùng rất lớn. Bên cạnh đó, quá trình thi công xây dựng tạo ra nhà ở cũng đem lại hàng triệu việc làm và tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu xây dựng, nội thất để hoàn thiện. Nói như vậy để thấy, giúp người dân mua nhà là một trong những khởi điểm, động lực quan trọng nhất để kích thích chuỗi cung cầu các sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn khi tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát. Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hỗ trợ, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản trong thời gian vừa qua nhằm rút ngắn, tối ưu hóa thời gian triển khai dự án nhà ở, qua đó giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý phát sinh, giúp giảm giá thành sản phẩm nhà ở cho người dân”.
Theo ông Trung hỗ trợ người dân mua nhà - Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng dự án (Kinh tế lẫn hành chính) sẽ tạo ra hiệu ứng domino cực lớn kéo theo sự phát triển chung cho khu vực. Tác động từ việc hỗ trợ DN của Chính Phủ sẽ phát tán và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc phát từng “con cá” đến tay người dân.
Ông Nguyễn Đình Trung Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh
Chúng ta hiểu, trong đường lối “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” vai trò điều tiết, dẫn dắt, hỗ trợ của nhà nước với DN trở nên tối quan trọng.
Tôi muốn nhắc đến ý của TS Vũ Thàn Tự Anh về việc Nhà Nước cần cơi nới chính sách hỗ trợ cho DN, người dân. TS Tự Anh nêu rõ 3 kênh hỗ trợ cụ thể: Vay vốn ngân hàng, trích ngân sách hỗ trợ trực tiếp người dân, DN khó khăn (gói 62 nghìn tỷ đồng), cuối cùng hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa (giúp trì hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội).
Tựu trung, khi Nhà Nước - Doanh Nghiệp - Người dân cùng tịnh tiến trên một mặt phẳng thì sự phát triển kinh tế đất nước là điều hiển nhiên.
Như thế, chúng ta sẽ hợp nhất chiếc “cần câu siêu to khổng lồ” và tha hồ có cá ăn.