ong-lon-1682045506.jpg
Các 'ông lớn' ngành bán lẻ nội địa và quốc tế đua mở rộng thị phần

Báo cáo thị trường bán lẻ tại TP. HCM của Cushman & Wakefield mới đây cho thấy trong quý I/2023, thị trường vẫn không có nguồn cung mới, với tổng nguồn cung duy trì 1,05 triệu m2 sàn bán lẻ đang hoạt động. Xu hướng cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng vẫn còn tiếp diễn tại nhiều trung tâm thương mại với mong muốn nâng cao hiệu suất thuê và cải thiện quy hoạch khách thuê, qua đó nâng cấp và tái định vị trung tâm thương mại.

Chính vì vậy, tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ so với quý trước đạt 90% nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Một vài nguyên nhân là do nguồn cung mới tòa nhà Thiso Mall vẫn đang trong quá trình được lấp đầy, nhiều mặt bằng bán lẻ tạm ngưng hoạt động do khách thuê đang vào hoặc đang cải tạo, và một số trung tâm thương mại đang trong quá trình nâng cấp và bố trí lại.

Giá thuê vẫn tăng trưởng nhờ các không gian bán lẻ được nâng cấp, đi cùng với sự cải thiện chung của thị trường bán lẻ, đạt 50,5 USD/m2/tháng, tăng 2,4% so với quý trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cushman & Wakefield ghi nhận đợt sóng mở rộng của ngành thời trang sau một quãng thời gian chậm nhiệt, điển hình là cửa hàng MUJI thứ 5 (2.000m2) khai trương và ít nhất 2 cửa hàng mới đã được lên kế hoạch trong thời gian tới. Trong khi đó cửa hàng UNIQLO thứ 16 (1.700m2) khai trương vào ngày 30/3. Cửa hàng thứ 17 của AEON sẽ được mở tại AEON Mall Tân Phú Celadon (1.600m2).

Ngoài ra, Cushman & Wakefield cũng ghi nhận được cuộc đua thị phần giữa các “ông lớn” nội địa và quốc tế. Cụ thể, Central Retail đã công bố đầu tư 1,45 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2027, đặt mục tiêu 600 cửa hàng trong năm 2027, tuân thủ các chuẩn mực môi trường và bền vững. AEON Mall có kế hoạch mở rộng 30 AEON Mall vào năm 2030, 100 AEON MaxValu Supermarket tại Hà Nội vào năm 2025 và mở rộng sang thời trang nhanh với thương hiệu My Closet (tháng 9/2022).

Tương tự, Mega Market cũng mở 3 kho cung ứng mới trong vòng 12 tháng gần đây tại Sa Pa (tháng 5/2022), Bình Thuận (tháng 7/2022), và Thanh Hóa (tháng 3/2023).

Trong khi đó, WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng và đạt doanh thu cửa hàng tăng 25% năm nay, đồng thời chuyển hướng sang mô hình nhỏ (cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini) ở cả thành thị và nông thôn. Saigon Coop đặt mục tiêu số 1 về mảng bán lẻ siêu thị bằng việc đẩy mạnh số hóa và thương mại điện tử, tích hợp công nghệ AI nhằm tìm hiểu khách hàng và nâng cao trải nghiệm.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.

Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trên "sân nhà", với khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hoá Xanh… Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh.