Một năm vượt khó
Năm 2024 có thể nói là một năm đặc biệt khó khăn với ngành lọc dầu khi giá dầu thô biến động, dẫn tới biên lợi nhuận bị thu hẹp đã tạo ra áp lực tài chính cho các tập đoàn, công ty dầu khí trên toàn cầu.
Trên thế giới, nhiều nhà máy lọc dầu buộc phải tái cấu trúc hoặc tạm dừng hoạt động, lợi nhuận sụt giảm và đứng trước nguy cơ phá sản. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc hóa dầu trong nước như Nghi Sơn, Dung Quất… cũng gặp rất nhiều thách thức, doanh thu và lợi nhuận giảm rất mạnh trong quý III/2024.
Trong bối cảnh khó khăn chung, BSR đã áp dụng triệt để các giải pháp để vượt qua “cơn bão” suy thoái của thị trường.
Theo đó, ngay từ đầu năm, BSR đã thực hiện theo phương châm hành động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: “Quản trị biến động, làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới, tạo nguồn năng lượng mới, vươn tới những đỉnh cao”. Từ đó, BSR đã chủ động thực hiện quyết liệt các nhóm động lực ứng phó với diễn biến thị tường đang rất phức tạp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2024 nói riêng và kế hoạch 5 năm 2021-2025 nói chung.
Công ty đã xây dựng và triển khai chiến lược quản trị biến động, tập trung vào việc duy trì sự linh hoạt trong vận hành, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí, tăng cường dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó, linh hoạt kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với sự biến đổi của thị trường.
Đối với nguồn dầu thô, nguyên liệu đầu vào, công ty tăng cường tìm kiếm và chế biến các loại dầu mới, đặc biệt dầu nhập khẩu nhằm nâng cao khả năng linh hoạt của nhà máy. Bên cạnh đó, BSR đã tận dụng cơ hội thị trường, lựa chọn thời điểm chào mua hợp lý nhằm tăng khả năng mua nguồn dầu thô nhập khẩu cũng như tìm kiếm các loại dầu mới.
Thời gian qua, BSR đã tối ưu tăng thị phần các sản phẩm mới. Cụ thể, công ty đã phát triển và đưa vào kinh doanh thương mại được 14 sản phẩm mới gồm 6 sản phẩm hạt nhựa PP mới và 8 sản phẩm nhiên liệu, trong đó có 3 sản phẩm là nhiên liệu đặc chủng dành cho quốc phòng, 1 nhiên liệu tàu thủy và 4 sản phẩm khác làm nguyên liệu cho hóa dầu.
Bên cạnh đó, công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội nhập cấu tử về chế biến để gia tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, triển khai thử nghiệm và đưa vào sử dụng các loại hóa phẩm xúc tác và phụ gia mới nhằm tăng tính cạnh tranh và tối ưu hóa sản xuất.
Về tối ưu cơ cấu sản phẩm, BSR đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị cao như ADO, Jet - A1, PP, và tăng tỷ lệ sản phẩm xăng Mogas 95/Mogas 92 từ 40%/60% theo thiết kế ban đầu lên trên 74%/26%. Doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai các giải pháp cải tiến để tăng tỷ lệ xăng Mogas 95, hướng đến tăng thị phần sản xuất xăng Mogas 95 trong những năm đến.
Bên cạnh các giải pháp về dầu thô và thị trường; công tác bảo dưỡng được tổ chức định kỳ, thường xuyên, hiệu quả và chi phí tối ưu, đảm bảo an toàn vận hành và hoạt động ổn định cho nhà máy.
Trong năm 2024, BSR đã thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 NMLD Dung Quất. Sau bảo dưỡng tổng thể thành công, nhà máy duy trì hoạt động an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. Có thời điểm NMLD Dung Quất đã nâng công suất hoạt động lên tới 118%.
BSR đã thực hiện 217 giải pháp cải tiến, mang lại 340 triệu USD (8,2 nghìn tỷ đồng) doanh thu. BSR đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và xuất bán trên 40.000 m3 các loại nhiên liệu đặc chủng bao gồm xăng Jet A1-K, dầu DO-L62 và xăng A83. Đây có thể coi là con số đáng tự hào trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, thị trường dầu mỏ diễn biến phức tạp và lạm phát ở mức cao dai dẳng.
Trong năm 2024, BSR cũng tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư. Ngoài Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR đã đầu tư một số dự án khác như: xây dựng bể chứa dầu thô, mở rộng trạm xuất xe bồn, nghiên cứu cơ hội đầu tại khu lọc hóa dầu Long Sơn… góp phần làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của công ty.
Ngày 18/11/2024, đồng hồ sản lượng xăng dầu các loại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc kế hoạch năm 2024, về đích sớm 43 ngày. Dự kiến kết thúc năm 2024, BSR ước đạt 6,6 triệu tấn sản phẩm các loại, vượt 15% kế hoạch năm. Kết thúc năm 2024, BSR ước đạt doanh thu trên 124,7 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Tính đến nay, BSR đạt trên 49,3 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.
Đặt mục tiêu sản xuất 6,68 triệu tấn sản phẩm
Thực hiện phương châm hành động năm 2025 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: “Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững” cùng với văn hóa vững chắc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo - là nền tảng để BSR bước vào năm 2025 - năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021-2025, với khát vọng chinh phục những mục tiêu mới đầy thách thức.
Theo đó, BSR đặt ra các mục tiêu phấn đấu với sản lượng sản xuất trên 6,68 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu trên 114 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 13 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 750 tỷ đồng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, Ban lãnh đạo và tập thể người lao động BSR tập trung vận hành Nhà máy đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục. Thực hiện nghiêm túc công tác an ninh, an toàn, sức khỏe, môi trường và phòng chống cháy nổ. Thường xuyên nghiên cứu và tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, tối ưu hóa năng lượng, hóa phẩm xúc tác, phụ gia.
Công ty cũng sẽ chủ động, linh hoạt trong công tác mua dầu thô, xây dựng chiến lược và kế hoạch mua dầu thô phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm các loại nguyên liệu mới. Theo dõi, phân tích dự báo giá dầu mỏ, cung/cầu thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản, giải pháp điều hành sản xuất kinh. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và chế biến thử nghiệm các loại nguyên liệu (dầu thô và/hoặc các cấu tử trung gian) mới để không ngừng mở rộng giỏ dầu thô/nguyên liệu trung gian cho nhà máy.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy các định hướng của BSR theo chiến lược phát triển công ty. Tích hợp với công tác chuyển đổi số, hệ thống ERP với Tập đoàn đảm bảo triển khai hệ thống ERP thông suốt, hiệu quả.
BSR cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm phù hợp với đặc tính của các hỗn hợp dầu thô chế biến, nhu cầu thị trường hiệu quả chế biến và công suất vận hành của các phân xưởng; tiêu thụ HPXT, vật tư tiêu hao, vật tư phụ tùng thay thế (spare parts); năng lượng, tổn thất và mất mát; chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm … để góp phần nâng cao hiệu quả SXKD.
Bên canh đó, công ty cũng sẽ tập trung nguồn lực triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án đầu tư khác đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
BSR đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả tại Nhà máy; nghiên cứu và triển khai các giải pháp để giảm thiểu chi phí bảo dưỡng Nhà máy; thay đổi chế độ vận hành; nghiên cứu phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến, nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước…
Đặc biệt, trong công tác quản trị, BSR hướng tới việc tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới, gồm kinh doanh dầu thô và các sản phẩm hóa dầu; cung cấp dịch vụ, bao gồm vận hành và bảo dưỡng, quản lý bảo dưỡng tổng thể, quản lý dự án, quản lý an toàn, đảm bảo chất lượng/kiểm soát chất lượng (QA/QC) và đào tạo. BSR thường xuyên cập nhật và hoàn thiện hệ thống quản lý, quản trị rủi ro… phù hợp với các quy định pháp luật và chiến lược phát triển của Công ty. BSR đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thực hiện các định hướng phát triển, quản trị rủi ro, mô hình sản xuất thông minh và đảm bảo hiệu quả các nghiệp vụ cốt lõi của doanh nghiệp.
Những định hướng này sẽ tạo tiền đề cho năm 2025 và những năm tiếp theo để BSR tiếp tục viết tiếp khát vọng tiên phong, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, là nền tảng quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung - Tây Nguyên.
PV (t/h)