Bất động sản mới nhất. (Nguồn: Vietnamnet)
Bộ Xây dựng cho rằng, việc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng các bên. (Nguồn: Vietnamnet)

Loạt lý do nên bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn

Theo Vietnamnet, tại tờ trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo, tiếp tục trình Chính phủ xem xét, lựa chọn một trong hai phương án quy định về giao dịch BĐS thời gian tới.

Phương án 1, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS thông qua sàn giao dịch.

Quy định này kế thừa Luật Kinh doanh BĐS 2014, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho chủ đầu tư, khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch mua bán.

Nhưng việc không quy định bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn theo Bộ Xây dựng sẽ đẩy khách hàng vào tình thế phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả của BĐS mà họ định mua, trong khi hầu hết khách hàng không có khả năng làm điều này.

Cũng theo Bộ, với phương án này, Nhà nước sẽ thiếu công cụ để quản lý, kiểm soát được dữ liệu thông tin thị trường bởi nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch không báo cáo số liệu hoặc báo cáo không đầy đủ, sai thực tế.

Điều này dẫn tới những hệ lụy như thất thu thuế, khó kiểm soát rửa tiền, thiếu dữ liệu thị trường, khó điều tiết kịp thời thị trường.

Còn với phương án 2, quy định bắt buộc mua bán, giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn, Bộ Xây dựng cho rằng, việc giao dịch BĐS qua sàn sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng các bên.

Lý giải cụ thể hơn, Bộ Xây dựng chỉ ra 8 lý do nên quy định bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn.

Đó là việc giao dịch qua sàn đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII.

Đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, minh bạch hóa thị trường, chống được "lợi ích nhóm" trong trường hợp chủ đầu tư cố tình bắt tay sàn giao dịch, người mua nhà đất thực hiện giao dịch ngầm nhằm trốn thuế, ôm hàng, tăng giá bán làm lũng đoạn thị trường.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù, khách hàng là người dễ chịu rủi ro nên cần thiết quy định BĐS phải giao dịch qua sàn để ràng buộc trách nhiệm các sàn trong thẩm định, thẩm tra tính pháp lý của dự án, niêm yết và công bố giao dịch, bảo đảm công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS.

Đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo kênh thông tin an toàn về BĐS, giúp người dân không mua nhầm dự án ma, dự án không đủ pháp lý.

Chống thất thu thuế, Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường BĐS, giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.

Nhà nước có được thông tin thị trường BĐS, từ đó đưa ra các chính sách điều tiết thị trường kịp thời.

Quy định bắt buộc giao dịch qua sàn theo Bộ Xây dựng sẽ không làm gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hoặc tăng giá bán BĐS.

Phương án này, Bộ Xây dựng cũng bổ sung, chỉnh lý trong đó quy định cụ thể các giao dịch BĐS qua sàn giao dịch.

Dự thảo cũng bổ sung các quy định liên quan tới sàn giao dịch nhằm đảm bảo việc giao dịch qua sàn được công khai, minh bạch bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên.

Rầm rộ đấu giá đất

Từ cuối tháng 8 và sang tháng 9 tới, nhiều tỉnh có kế hoạch đấu giá hàng trăm lô đất. Đơn cử, tỉnh Quảng Trị đấu giá 204 lô đất ở các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và Gio Linh, với mức giá khởi điểm thấp nhất từ 156 triệu đồng/lô, cao nhất hơn 3,4 tỷ đồng/lô.

Hay Nam Định cũng đấu giá 237 lô đất, trong đó có 179 lô đất ở TP Nam Định và 58 lô đất ở huyện Nam Trực. Giá khởi điểm từ 2 triệu đồng đến 25,2 triệu đồng/m2.

Tương tự, Lào Cai đấu giá 53 lô đất với giá khởi điểm thấp nhất hơn 350 triệu đồng/lô. Hay Bình Định sắp đấu giá 110 lô đất với giá khởi điểm từ hơn 1 tỷ đồng đến hơn 6,6 tỷ đồng/lô.

Thế nhưng, các cuộc đấu giá đất gần đây kém sôi động khi số hồ sơ tham gia đấu giá không nhiều.

Chẳng hạn, cuối tháng 7 vừa qua, Nam Định tổ chức đấu giá 222 thửa đất cho nhân dân làm nhà ở tại Khu đô thị mới phía Nam sông Đào, TP Nam Định. Hết hạn đăng ký hồ sơ, có 43 thửa đất đủ điều kiện đưa ra đấu giá khi chỉ có 180 hồ sơ trên tổng số 84 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Tại Bắc Giang, số liệu từ Sở Tư Pháp Bắc Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh tổ chức 47 cuộc đấu giá đất. Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân là 43 cuộc. Tổng số tài sản đưa ra đấu giá là 2.313 lô đất với tổng diện tích 253,761 m2.

Tỷ lệ đấu giá không thành công chiếm đa số chiếm 57,4% (1.327 lô đất), đấu giá thành công 986 lô (42,6%).

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS (EZ Property) cho hay, hàng năm, các tỉnh đều có nguồn thu từ đấu giá đất, thế nhưng năm nay nhiều tỉnh đang không đạt chỉ tiêu. Lượng khách tham gia đấu giá rất ít.

Nhiều cuộc đấu giá đất không thành công hoặc chỉ thành công một phần, theo ông Toản, lý lo bởi sang năm 2023 nhưng vẫn dựa trên mặt bằng giá chung của đợt đấu giá năm 2022.

Mức giá khi đó rất cao nên giá khởi điểm giờ không phù hợp, cao hơn mặt bằng giá chung. Cùng với đó, một phần do thị trường BĐS trầm lắng.

“Đất đấu giá bám giá thị trường rất chậm vì họ đều phải xây dựng kế hoạch trước cả năm. Trước đây, thị trường đất đấu giá đa phần do các nhà đầu tư, đầu cơ tham gia là chính. Khi lượng nhà đầu tư đó rút, gần như thị trường trầm lắng, đất đấu giá “ế” khá nhiều. Trừ những lô đất có vị trí đẹp thu hút người dân xung quanh mua để ở”, ông Toản nói.

Đất đấu giá có tiềm năng và có nên đầu tư lúc này? Trả lời câu hỏi này, ông Toản cho hay, đất đấu giá có lợi thế pháp lý rõ ràng, đấu giá xong là có sổ đỏ, hạ tầng có sẵn. Đa phần đất đấu giá đều nằm ở vị trí phù hợp để ở, hầu hết các địa phương đều bố trí dọc các tuyến đường hoặc bám khu dân cư.

Ông cho rằng, đất đấu giá có nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người mua để ở hoặc người mua đầu tư lâu dài.

Tuy nhiên, đất đấu giá khi định giá phải phù hợp, bám sát giá thị trường. Không thể dùng giá khi thị trường sốt nóng để vẫn áp dụng khi thị trường đang trầm lắng như hiện nay.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc điều hành CLB Nhà đầu tư BĐS NAC cho rằng, muốn mua đầu tư dài hạn thì nên mua các sản phẩm có tính sử dụng cao, có vị trí tốt tại Hà Nội, TP. HCM.

“Tham gia đầu tư đất đấu giá tại các tỉnh thời điểm này là không nên do sức cầu yếu. Những sản phẩm đất đấu giá trước đây ở Hà Nội và TP. HCM, nay đã điều chỉnh giá ở mức 15-20%, ở vị trí có quy hoạch thật, tiềm năng về hạ tầng thì có thể cân nhắc mua”, ông Duy nêu quan điểm.

Thái Nguyên: Triển khai Dự án nhà ở xã hội đầu tiên từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Dự án được triển khai tại phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên do Công ty Cổ phần đầu tư Bình Minh Phát làm chủ đầu tư chuẩn bị được thi công xây dựng.

Bất động sản mới nhất: Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên do Công ty Cổ phần đầu tư Bình Minh Phát làm chủ đầu tư. (Nguồn: BXD)
Phối cảnh tổng thể dự án. (Nguồn: BXD)

Hiện tại, dự án đã được giao diện tích đất 92.397/113.000m2 để triển khai, đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thái Nguyên đủ điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng trong Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Dự án có quy mô 11,3ha, bao gồm các công trình dịch vụ thương mại hỗn hợp phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp và khu vực lân cận. Dự án đảm bảo khớp nối về mặt tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực lập dự án và các khu vực lân cận, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân và cư dân.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 300 tỷ đồng, bao gồm 11 tòa nhà cao từ 5 đến 10 tầng. Dự kiến khi hoàn thành giai đoạn I, dự án sẽ cung cấp cho thị trường gần 700 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 100 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Nhiều lao động xa nhà hoặc đến từ ngoại tỉnh phải đi thuê nhà ở trong khi, thu nhập, chi phí sinh hoạt, đời sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động là hết sức cần thiết đối với tỉnh Thái Nguyên.

Lâm Đồng quy định diện tích tách thửa tối thiểu là 40m2

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 51 về quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, điều kiện tách thửa đất là đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó thửa đất phi nông nghiệp có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý và đã được cập nhật, chỉnh lý, thể hiện trên bản đồ địa chính theo đúng quy định, kích thước theo chiều sâu (cạnh tạo góc với cạnh tiếp giáp đường) dài hơn 6m sau khi trừ khoảng lùi xây dựng.

Trường hợp thu hồi đất để làm đường giao thông hoặc triển khai các dự án khác, nếu diện tích của thửa đất còn lại sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu quy định Quyết định thì người đang sử dụng thửa đất này được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Trong quyết định 51, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ những trường hợp không được tách thửa đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, điều kiện hợp thửa đất…

Cụ thể, tách thửa đất ở đô thị, đối với nhà phố, diện tích đất ở ≥ 40m2và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4m.

Đối với nhà liên kế có sân vườn, diện tích đất ở ≥ 72m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,5m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên mà lộ giới ≥ 10m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 64m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 4,0m.

Đối với nhà biệt lập, diện tích đất ở ≥ 250m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên nhưng lộ giới ≥ 10m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 200m và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10m.

Đối với biệt thự, diện tích đất ở ≥ 400m và có kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥12m đối với đường đã có tên (hoặc đường chưa có tên nhưng lộ giới ≥ 10m); tại các đường, đường hẻm còn lại diện tích đất ở ≥ 250m2và kích thước cạnh tiếp giáp đường ≥ 10m.

Ngoài các trường hợp nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quy định diện tích tách thửa tối thiểu đối với đất ở nông thôn, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng sản xuất.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, quyết định số 51 có hiệu lực thi hành từ 4/9/2023 và thay thế Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 của UBND tỉnh quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.