Thủ tướng thị sát công trình chống ngập mặn tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây được xem như một đợt kiểm tra thực địa khi cách đây hơn 10 ngày, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 36 về chống hạn mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mekong ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về ĐBSCL nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Tình trạng trên đang đòi hỏi công tác ứng phó phải quyết liệt hơn bởi như kinh nghiệm năm trước, chúng ta càng chuẩn bị sớm thì mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh càng giảm thiểu.
Nhìn lại công tác chống hạn mùa khô năm 2019-2020, được đánh giá là ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, còn gay gắt hơn cả năm 2016. Một trong những bài học quý được rút ra, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chúng ta nhận dạng sớm các thách thức này và sự chỉ đạo điều hành sát sao của lãnh đạo Chính phủ. Theo đó, cũng vào thời điểm này năm ngoái (tháng 9/2019), Thủ tướng Chính phủ đã triển khai một hội nghị đến các đồng chí lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL bàn những nhóm giải pháp để ứng phó. Sau đó, một loạt hoạt động được triển khai, các công trình chống hạn đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời đưa vào sử dụng. Cùng với đó, là việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Việc nạo vét lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm được quan tâm thúc đẩy, góp phần kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn cho gần 400.000 ha đất nông nghiệp… Nhờ đó, diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.
Và vào tháng 3 đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát một số công trình phòng chống hạn, mặn ở tỉnh Bến Tre và làm việc với lãnh đạo 13 địa phương của ĐBSCL, khu vực hằng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của nước. Sau cuộc làm việc, Thủ tướng đã ra quyết định hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong các đợt kiểm tra, các cuộc làm việc, người đứng đầu Chính phủ đều quán triệt phương châm “không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt” và tiến tới làm sao “biến nguy thành cơ”, biến nguy cơ từ hạn, mặn thành thời cơ để phát triển nông nghiệp, khai thác, sản xuất hợp lý “thuận thiên”…
Thủ tướng nêu rõ, qua mùa khô hạn mặn khắc nghiệt năm 2020, chúng ta rút ra phương châm, “một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và giành thắng lợi”. Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. “Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”.
Thiên tai, biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng gay gắt, tuy nhiên, thiệt hại có thể giảm thiểu đáng kể và như một ý kiến bình luận về kết quả chống hạn mùa khô 2019-2020, “giữa sự khắc nghiệt gần đến ngưỡng tận cùng của Mẹ thiên nhiên, vẫn thu được “quả ngọt” bởi sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ đến địa phương”.
Với quyết tâm đó, “bao giờ ĐBSCL không còn nhiễm mặn?” sẽ không chỉ là câu hỏi mà còn là vấn đề sớm hiện thực hóa khát vọng của hơn 20 triệu dân của vùng đất “chín rồng”.
Đức Tuân